Phụ nữ khởi nghiệp hướng đến nền kinh tế xanh

  •   Thứ ba - 08/06/2021 10:00
  •   288
  •  0
PN Binh Ngoc
Chị Ánh Hồng (phải) chia sẻ niềm vui khi nước rửa chén sinh học của phụ nữ Bình Ngọc được người tiêu dùng yêu thích. Ảnh: NGỌC DUN
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện từ nhiều năm qua với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Qua đó, giúp phụ nữ địa phương hiện thực hóa ước mơ trên con đường khởi nghiệp, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững chung tay vì sức khỏe cộng đồng.
Thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe
Cuối năm 2019, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở TN-MT tổ chức hội thảo Hướng dẫn khởi nghiệp cho phụ nữ nghèo bằng các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thành các sản phẩm. Tại đây, chị Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học Minh Hồng (Đà Nẵng) đã chia sẻ phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo sản phẩm sinh học bằng công nghệ enzyme; giới thiệu các mô hình “Tiết kiệm 2T” (tiết kiệm, tận dụng), mô hình “Chế phẩm sinh học đa dụng” được sản xuất từ rác thải hữu cơ thực vật thành nước rửa chén sinh học, nước lau nhà sinh học an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa giúp cho phụ nữ địa phương có công việc ổn định, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc phân loại rác thải sinh hoạt, Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) đã tiến hành triển khai làm điểm thực hiện mô hình khởi nghiệp bằng việc tái chế rác thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học ở Chi hội Phụ nữ hai thôn Ngọc Phước 1 và Ngọc Phước 2. Qua thời gian thử nghiệm, vận dụng những kiến thức đã được chị Trịnh Thị Hồng chia sẻ, 12 chị em tham gia mô hình này đã đi đến các chợ, các điểm bán nước cam vắt để thu gom các loại vỏ: cam, chanh, bưởi, thơm, lá xả, bồ kết, dứa... sau đó tiến hình sơ chế, ủ nguyên liệu theo quy trình hướng dẫn.
Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc cho biết: “Sau thời gian ủ các loại vỏ này từ 15-20 ngày sẽ có mùi như mùi rượu lên men và sau 30 ngày độ PH=3 là chế phẩm đã thành công. Tuy nhiên để có nước rửa chén sinh học Bình Ngọc được người tiêu dùng yêu thích như hiện nay, chúng tôi đã trải qua nhiều thời gian thử nghiệm thất bại. May mắn là trên bước đường hỗ trợ phụ nữ địa phương khởi nghiệp, bên cạnh Hội LHPN xã Bình Ngọc luôn có sự đồng hành của Hội LHPN tỉnh, Sở TN-MT, Trường cao đẳng Công thương Miền Trung đã hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ rất nhiều cả về kiến thức lẫn các trang thiết bị như máy lọc, máy khấy, thùng chứa; hướng dẫn quy trình đăng ký nhãn hiệu… chúng tôi mới có được thành công như hôm nay. Hiện tại, nước rửa chén sinh học Bình Ngọc đã được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 kiểm nghiệm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Giá thành sản phẩm 32.000 đồng/lít rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường; sản phẩm lại an toàn không gây kích ứng da, thân thiện với môi trường. Chúng tôi còn tận dụng phần bã sau khi ủ men làm phân bón cho cây trồng gia đình rất tốt. Đến nay, chị em đã chiết xuất bán 12.685 lít nước lửa chén, lau sàn bán cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, trường mầm non, người tiêu dùng trong và ngoài địa phương”.
Các chị Nguyễn Thị Long (Ngọc Phước 1), Nguyễn Thị Diện (Ngọc Phước 2) cũng như nhiều chị em khác ở Bình Ngọc tham gia mô hình này đều rất phấn khởi. Công việc này với họ không mất nhiều thời gian, công sức, lại có thêm nguồn thu nhập từ 2-5 triệu đồng/tháng/người. Bản thân chị em rất vui vì tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ ở địa phương, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hướng đến nền kinh tế xanh
Hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, trong những năm qua Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp năm 2017-2025 được Chính phủ phê duyệt đã khích lệ, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ trên toàn quốc, đồng thời kết nối hỗ trợ phụ nữ hiện thực hóa ước mơ trên con đường khởi nghiệp, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Tại Phú Yên, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã được các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện từ nhiều năm qua với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Được biết, ngoài mô hình khởi nghiệp bằng việc tái chế rác thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học, từ nhiều năm nay Hội LHPN xã Bình Ngọc còn thành lập mô hình Sản xuất rau an toàn năng suất cao thôn Ngọc Phước 2. Chị Trương Thị Sinh, Chủ nhiệm CLB Sản xuất rau an toàn năng suất cao thôn Ngọc Phước 2 thổ lộ: “Sản xuất rau an toàn không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế cao giúp chị em nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế gia đình, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng cũng như chung tay xây dựng uy tín, thương hiệu rau an toàn Bình Ngọc. Chính điều này mà ngày càng thu hút nhiều chị em tham gia mô hình, thời gian đầu chỉ có 25 người thì đến nay đã có 38 người tham gia”.
Ngoài Bình Ngọc, mô hình “Phụ nữ sản xuất rau an toàn” ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) thu hút trên 40 hội viên phụ nữ tham gia. Đây là mô hình điểm của Hội LHPN tỉnh thực hiện Đề án 938 về tuyên truyền vận động hỗ trợ phụ nữ địa phương tham gia giải quyết vấn đề xã hội liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh Nay Hờ Nhơn: “Ngoài việc tích cực tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ trên địa bàn chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong các hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn cung ứng trên thị trường,  Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Sông Hinh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho chị em kỹ thuật trồng, chăm sóc rau an toàn; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; tạo điều kiện cho chị em vay vốn đầu tư phát triển sản xuất…”. Hiện nay, vườn rau của chị em nơi đây đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân cũng như một số nhà hàng tại thị trấn Hai Riêng.
Thời gian qua, bên cạnh các mô hình này, các cấp Hội LHPN Phú Yên còn xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nước mắm sạch (huyện Tuy An), chả cá an toàn (TX Sông Cầu), làm đậu hũ sạch (TX Đông Hòa), nuôi heo sạch (huyện Sông Hinh); vận động chị em tiểu thương ở các chợ thực hiện kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn, nói không với sử dụng hóa chất khi kinh doanh thức ăn… Thông qua đó, các cấp hội hỗ trợ chị em khởi nghiệp, tạo ra thực phẩm sạch, an toàn trên thị trường, tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: Để góp phần thực hiện hiệu quả đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, các cấp hội LHPN Phú Yên đã và đang triển khai nhiều hoạt động phối hợp như: vận động CLB Nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khởi nghiệp; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động hướng dẫn phụ nữ khởi nghiệp, khai thác, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động chị em tham gia các hoạt động phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp; phối hợp tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn VIETGAP, thực hiện các nguyên tắc giảm rác thải trong sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh…
 
NGỌC DUNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9

Tổng lượt truy cập: 5,359,383

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây