Trần Thị Hồng Thái - Nữ thương binh đơn thân 70 tuổi vẫn hết lòng vì công việc

  •   Thứ ba - 27/07/2021 08:08
  •   574
  •  0
Sống đơn thân, mang trên mình thương tật từ chiến tranh nhưng bà Trần Thị Hồng Thái vẫn nhiệt thành tham gia các hoạt động công tác xã hội đóng góp tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
IMG20210618152009Là nữ giao liên từ khi tuổi 16

Bà Trần Thị Hồng Thái, sinh năm 1951, tại khu phố Phước Hậu 2, phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sinh ra trong một gia đình và quê hương có truyền thống cách mạng. Năm 1967 (16 tuổi) bà được cách mạng tuyển chọn làm nữ liên lạc viên, có nhiệm vụ vận chuyển tài liệu, thuốc men, lương thực… kết nối căn cứ Thị đội Tuy Hòa với các xã vùng ven. Ở tuổi trăng tròn, có nhan sắc và trí thông minh hoạt bát nên cô bé Hồng Thái luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do ngày đó bọn địch cài cắm mạng lưới đặc vụ và “cộng tác viên” dày đặc, chúng đã bắt đầu để mắt và có những nghi ngờ Hồng Thái làm việc cho cách mạng. Bọn địch âm mưu cử một tên điệp báo tìm cách tiếp cận, lân la làm quen tán tỉnh hòng tìm ra tung tích mạng lưới giao liên của ta. Nhận thấy tình hình bất ổn, đêm 18/3/1970, lợi dụng trời mưa gió, cách mạng đã cử người đón Trần Thị Hồng Thái lên căn cứ làm nhân viên thông tin của Thị đội thị xã Tuy Hòa.
Là một nữ thanh niên có sức khỏe lại tháo vát nên tháng 5/1970 Hồng Thái được lựa chọn đi học lớp kỹ thuật pháo cối đi cùng. Tháng 8/1970 trở thành chiến sĩ của Đội nữ pháo cối thị xã Tuy Hòa. Kể từ đó Trần Thị Hồng Thái gắn bó với những trận chiến đấu ác liệt, những đêm hành quân gian khổ của các nữ pháo cối. Chị đã cùng đồng đội với những khẩu pháo cối của mình bao phen làm cho kẻ thù trên chiến trường Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2 phải khiếp sợ. Chị vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 31/11/1972 sau trận phối hợp chiến đấu tiến công địch ở núi Sầm, xã Hòa Trị. Trong suốt quá trình chiến đấu, có những trận giành thắng lợi với hiệu suất cao đã được ghi vào lịch sử LLVT thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên.
Trận ngày 3/8/1973, trong đội hình của LLVT tỉnh Phú Yên ta tiến công vào nhiều vị trí quan trọng của địch ở thị xã Tuy Hòa. Đội Pháo cối đi cùng dùng hỏa lực mở màn cho Đội Quyết thắng tiến vào Ty Cảnh sát ngụy tiêu diệt 15 tên địch. Trận ngày 13/8/1973, Trần Thị Hồng Thái với cương vị là tiểu đội trưởng chỉ huy tiểu đội cối 82 từ Ninh Tịnh nã đạn vào Trung đoàn 47 Ngụy đánh sập hai tòa nhà của trung đoàn bộ. Trận ngày 20/7/1974, Tiểu đội cối 82 do chị Thái chỉ huy từ sau chùa Khánh Sơn bắn chi viện vào sân bay Chóp Chài mở đường cho Đội Quyết thắng tiến công tiêu diệt trên 15 tên địch. Riêng pháo kích đã tiêu diệt 5 tên địch, trong đó có 2 tên đại úy(*). Ngày 1/4/1975, Trần Thị Hồng Thái là một trong những nữ chiến sĩ được giao nhiệm vụ giao liên dẫn đường cho xe tăng và bộ binh bộ đội chủ lực ta tiến vào giải phóng tỉnh Phú Yên… Chị công tác đến 2004 thì về hưu.
Với 34 năm tham gia hoạt động cách mạng và công tác Trần Thị Hồng Thái vinh dự được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Ba, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.
          Có những mối tình sâu đậm nhưng vẫn sống đơn thân
Vốn là một cô gái có sức khỏe, có vẻ đẹp đằm thắm mặn mà, khi ở  tuổi thanh xuân Hồng Thái cũng có nhiều chàng trai theo đuổi thế nhưng do chiến tranh và duyên phận đến nay sang tuổi 71 bà vẫn sống một mình. Khi được hỏi, với tâm trạng buồn buồn, hướng ánh mắt xa xôi sâu thẳm, bà kể về những mối tình trong lửa đạn chiến tranh: “Hồi còn con gái, chị cũng có nhiều người để ý, và chị cũng đã có hai mối tình khá sâu đậm khi còn ở trên núi nhưng cuối cùng không có kết quả…”. Chị kể nhiều về những gian lao của các chiến sĩ nữ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ngoài những khốc liệt của bom đạn, khí hậu khắc nghiệt nơi rừng sâu, núi thẳm, thiếu thốn trăm bề còn phải gánh chịu sự hoành hành của bệnh tật. Tất cả chị em hồi đó đều bị sốt rét nhiều lần, tóc rụng hết lớp này đến lớp khác, nhiều người đã không qua khỏi vì sốt rét ác tính. Nhiều người sau này có chồng không sinh được con, không ít người sinh con, cháu bị di chứng từ thảm họa chất độc da cam... Tuy nhiên, cuộc sống của những người lính ở chiến trường ngày đó vẫn luôn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào ngày mai chiến thắng. Những mối tình đẹp vẫn được ươm mầm vượt qua lửa đạn chiến tranh. Mối tình đầu của chị năm 1970 là với một chiến sĩ an ninh, nhưng duyên chưa đến và rồi anh đã đi về với đất. Đến năm 1972, chị gặp và yêu anh Trần Thanh Mai, một chiến sĩ trong Trung đội Quyết thắng của Thị xã Tuy Hòa. Mối tình ấy mãi đến giờ vẫn sưởi ấm trái tim chị, những lá thư trao gửi nhau sau trận chiến đấu, những lần được gặp nhau chóng vánh sau cuộc hành quân đã giúp anh chị vượt lên mọi gian khổ hi sinh. Nhưng lại một lần nữa, “có duyên mà không có phận”, anh Mai đã hi sinh trong một trận ta tiến công vào sân bay Chóp Chài cuối năm 1973. Giờ đây, nhớ thương người đã khuất, chị thường xuyên đến thăm viếng các anh và đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác nhân ngày giỗ anh hoặc ngày thương binh - liệt sĩ 27/7 hằng năm.
Kể từ đó, chị theo đơn vị chiến đấu đến ngày giải phóng và cho mãi đến sau này chị không có dịp để yêu thương, không kịp xây dựng một mái ấm riêng cho mình. Giờ đây mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát chị một mình tự lo liệu, khi nặng quá thì nhờ vào sự giúp đỡ các cháu và bà con xóm giềng lân cận.
          Hăng say hoạt động công tác xã hội
Nghỉ hưu năm 2004, với tinh thần người lính “Bộ đội CỤ Hồ” bà Thái về tham gia công tác ở địa phương với cương vị là phó bí thư chi bộ, chi hội trưởng cựu chiến binh khu phố Phước Hậu 2, phường 9, thành phố Tuy Hòa. Trải qua hơn 15 năm với sự nhiệt tình năng nổ của mình, bà đã đóng góp nhiều công sức vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Chi bộ nơi bà làm phó bí thư luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chi hội cựu chiến binh đạt danh hiệu tiêu biểu, có tinh thần giúp đỡ đồng đội đã một thời trong chiến tranh, là tấm gương sáng trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bà Thái cho biết thêm: “Nhiều người khuyên tôi rằng chị lớn tuổi, thương binh lại hay bệnh đau làm việc nhiều chi cho vất vả. Tôi trả lời họ rằng: Bác Hồ suốt cả cuộc đời lo cho đất nước, mình học tập Bác thì ít nhất mình cũng góp chút công sức nhỏ lo cho một nhóm người ở quanh khu phố”.
Bà Lê Thị Thu Sang – Phó bí thư Đảng ủy Phường 9, thành phố Tuy Hòa nhận xét: “Cô Trần Thị Hồng Thái gần như cả cuộc đời luôn phấn đấu hi sinh vì lý tưởng của Đảng, là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng và tinh thần làm việc của “Bộ đội Cụ Hồ”. Hơn 70 tuổi đời, 49 tuổi Đảng, thương binh, sức khỏe đã giảm nhưng cô Thái vẫn có những đóng góp tích cực trong xây dựng Chi bộ khu phố Phước Hậu 2, thúc đẩy phong trào đời sống văn minh ở cơ sở, xứng đáng là tấm gương để thế hệ con cháu noi theo, học tập ”./.
            *Lịch sử LLVT thành phố Tuy Hòa (1946-2016), tr211
 Nguyễn Bá Thuyết
Nguồn đăng: BẢN TIN PHỤ NỮ PHÚ YÊN QUÝ 3/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 53

Máy chủ tìm kiếm: 3

Khách viếng thăm: 50

Tổng lượt truy cập: 5,220,755

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây