Đang truy cập: 14
Tổng lượt truy cập: 5,328,509
- Đang truy cập14
- Hôm nay3,513
- Tháng hiện tại76,439
- Tổng lượt truy cập5,328,509
Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều gương phụ nữ vượt khó khăn, vươn lên tạo lập cuộc sống mới bằng sức lao động của mình, góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng phát triển nông thôn mới của tỉnh nhà.
1 Là con đầu trong một gia đình nghèo, chị Nay Hờ Nhan (Mí Hùng) ở thôn Đoàn Kết, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa lúc nhỏ không có may mắn được đến trường như bạn bè đồng trang lứa. Sau khi kết hôn, sinh được hai con, do nảy sinh mâu thuẫn, vợ chồng Hờ Nhan quyết định “đường ai nấy đi”. Theo phong tục của người Ê Đê, sau khi ly hôn chồng đi lấy vợ khác, Hờ Nhan phải nuôi 2 con nhỏ trong khi nhà ở dột nát, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn.
Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, sau thời gian đi làm thuê, Hờ Nhan dành dụm một ít tiền, hùn làm mía, sắn với bà con. Thấu hiểu hoàn cảnh của Hờ Nhan, năm 2002, Hội LHPN xã Suối Trai tín chấp cho chị vay vốn ưu đãi 5 triệu đồng để nuôi bò. Sau đó, chị cải tạo được 2ha đất trồng lúa, sắn. Năm 2006, Hội LHPN xã lại tiếp tục tạo điều kiện cho chị vay thêm 20 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi, sản xuất.
Có vốn, Hờ Nhan mua thêm bò và đầu tư trồng mía. Để nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN xã phối hợp với địa phương tổ chức; thường xuyên tham gia sinh hoạt định kỳ học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế của những chị em khác trong chi hội... Nhờ vậy, hàng năm sau khi trừ chi phí, chị thu nhập từ việc nuôi bò, trồng sắn, mía trên 100 triệu đồng. Nói về cuộc sống đổi thay của gia đình mình, Hờ Nhan thổ lộ: “Nhờ có Hội Phụ nữ tạo điều kiện, ngân hàng cho vay vốn làm ăn mà mẹ con tôi mới có ngày hôm nay. Tôi biết ơn rất nhiều”.
Cuộc sống giờ đây rất ổn định, gia đình Mí Hùng không những thoát được nghèo mà hơn 5 năm trước còn xây dựng một ngôi nhà sàn lợp ngói khang trang. Con trai đầu Nay Y Hùng và cô con gái thứ hai Nay Hờ Dung hiện đã lập gia đình. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho riêng mình, Mí Hùng còn nhiệt tình tham gia phong trào phụ nữ địa phương; hưởng ứng tích cực cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; thường xuyên giúp đỡ phụ nữ và bà con trong thôn tiếp cận cách thức trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Gia đình Mí Hùng nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” ở thôn Đoàn Kết.
2 Cũng giống như Hờ Nhan, chị Nguyễn Thị Gái ở thôn 1, xã Xuân Hải, TX Sông Cầu sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hồi ấy, chị Gái mới học hết lớp 6 đã phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. Lớn hơn một chút, chị bươn bả đi làm thuê mướn khắp nơi. Cái nghèo vẫn mãi đeo đuổi đến khi chị lập gia đình, sinh con. Cuộc sống càng chật vật, túng bấn khi số tiền làm thuê mướn của vợ chồng chị ngày càng bé mọn so với các khoản chi phí trong gia đình, con cái đến tuổi ăn, tuổi học.
Nhờ địa phương tạo điều kiện, vay được tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội vợ chồng chị Gái thuê lại đìa nuôi cá mú. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm những hộ nuôi đi trước, tìm hiểu trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn cộng với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên đìa nuôi cá của chị luôn cho năng suất, sản lượng cao. Mỗi kỳ thu hoạch trừ chi phí, vợ chồng chị Gái thu lãi từ 30-40 triệu đồng. Sau một thời gian làm ăn tích góp, vợ chồng chị mua được đìa, lợi nhuận thu về nhiều hơn. Hiện nay gia đình chị Gái đã thoát nghèo, vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
3 Xuất thân trong một gia đình nghèo, đông anh chị em, bản thân không có nghề nghiệp ổn định, sau khi kết hôn, vợ chồng chị Cao Thị Mỹ Mai ở thôn Thái Long, xã An Lĩnh, huyện Tuy An phải đi làm thuê khắp nơi. Song với khát khao thoát nghèo, vợ chồng chị Mai chắt bóp dành dụm được ít tiền mua 1 con bò về nuôi. Sau đó, chị lại vay mượn người quen để chồng đi học lái xe tải. Sau khi có bằng lái, chồng chị chạy xe thuê mỗi tháng thu nhập khoảng 7 triệu đồng, còn chị vẫn tiếp tục đi làm thuê lo trang trải chi phí hàng ngày.
Qua một thời gian dài tích lũy đến năm 2006, chị Mai bàn bạc với chồng vay mượn thêm các chị em có kinh tế gia đình khá trong Chi hội Phụ nữ thôn mua một chiếc xe tải 2 tấn chở hàng ở địa phương. Còn chị hàng ngày thu gom mua chuối, bẹ chuối chở đi bán tận nơi tiêu thụ để tăng thêm thu nhập. “Kiến tha lâu đầy tổ”, nhờ tích góp dành dụm, 6 năm sau, vợ chồng chị Mai bán xe 2 tấn mua xe 11 tấn (trị giá 750 triệu đồng) để thu mua, chuyên chở mía tại địa phương.
Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, vợ chồng chị thu được 250 triệu đồng. Nhờ vậy, kinh tế mỗi ngày một phát triển, vợ chồng chị không những xây dựng nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, mà còn mua thêm được 6ha đất rừng. Anh chị còn mua phân bón từ nhà máy về cho bà con trong thôn Thái Long mượn để bón cho cây trồng không tính lãi. Phó Chủ tịch Hội LHPN xã An Lĩnh Nguyễn Thị Thúy Oanh cho biết, chị Mai là một trong những tấm gương phụ nữ tiêu biểu về nghị lực vượt khó thoát nghèo ở địa phương.
4 Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Nhiễu ở khu phố 2, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa. Chị đưa tay quệt những giọt mồ hôi chảy dài trên má, mỉm cười hiền lành: “Mình không chăm chỉ làm ăn, gầy dựng kinh tế gia đình thì làm sao có thể nuôi con cái học hành”. Để có tiền nuôi con ăn học, chị Nhiễu không quản ngại nhọc nhằn, một nắng hai sương với ruộng vườn. Từ mảnh vườn 1.000m2, chị Nhiễu trồng 750m2 hoa cúc, mỗi năm trồng 3 vụ, thu nhập 45 triệu đồng/năm. Với diện tích 250m2 còn lại, chị trồng thêm rau sạch như: cải, mồng tơi, xà lách... thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, chị còn làm 2,5 sào lúa nước và nuôi bò, thu nhập thêm trên 30 triệu đồng/năm. Bản thân chị Nhiễu không chỉ hưởng ứng cuộc vận động rèn luyện phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” mà còn thực hiện tốt 8 tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, tích cực bảo vệ môi trường, phòng chống bạo lực gia đình, giữ bình yên xóm làng.
NGỌC QUỲNH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Liên kết khác
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 14
Tổng lượt truy cập: 5,328,509