Những năm qua, cùng với các chính sách đầu tư hỗ trợ đối với hộ nghèo của Đảng, Nhà nước, Hội Phụ nữ cùng với các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động chăm lo, cải thiện đời sống cho chị em. Qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ nông thôn trong gia đình và ngoài xã hội.
CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG KINH TẾ
Lập gia đình từ hai bàn tay trắng, không có đất ruộng để làm ăn, kinh tế gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Luận ở thôn Phương Lưu, xã Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu) luôn rơi vào cảnh túng bấn. Để có tiền nuôi hai con nhỏ và trang trải hàng ngày, chồng chị phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của chị Luận, Hội LHPN xã Xuân Thọ 1 đã tạo điều kiện cho chị vay vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Từ số tiền vay 30 triệu đồng, chị Luận mua 2 con bò về nuôi. Ngoài ra, để tăng nguồn thu nhập, chị còn thuê ruộng về làm thêm. Hiện tại, gia đình chị đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đời sống mỗi ngày một cải thiện, mỗi năm thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
Cũng như chị Luận, đời sống của phụ nữ ở nhiều miền quê khác trong tỉnh cũng gặp không ít thắt ngặt. Nhiều chị em muốn thoát khỏi cuộc sống đói nghèo nhưng không biết bằng phương cách nào, chỉ từ khi có sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của tổ chức Hội cùng với các ngành chức năng, đời sống gia đình họ mới đổi thay. Chị Võ Thị Mỹ Lệ ở thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), thổ lộ: “Nhờ sự quan tâm của Hội Phụ nữ mà tôi được tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất làm ăn, vợ chồng tôi mạnh dạn chuyển từ nuôi bò cỏ sang bò lai; chuyển từ việc trồng cây đậu, cây mè sang trồng cây mía, cây sắn cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương”.
Để thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, chị Lệ cùng các thành viên trong gia đình nỗ lực lao động, không ngại khó khổ. Tận dụng điều kiện đất đai, nguồn nước hiện có, vợ chồng chị làm lúa nước để đảm bảo lương thực cho gia đình, tận dụng đất rẫy không sản xuất được chăn nuôi bò, phần đất còn lại tập trung trồng mía, sắn. Với mong muốn nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, ngoài việc thường xuyên nghiên cứu tìm hiểu thêm sách báo, trao đổi với cán bộ nông nghiệp của xã, chị còn chia sẻ kinh nghiệm với các hộ gia đình khác trong thôn An Hòa về quá trình ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, canh tác. Sau nhiều năm nỗ lực vượt khó, đến nay cuộc sống gia đình chị Lệ có sự chuyển biến rõ nét. Hàng năm trừ chi phí, tổng thu nhập của nhà chị tăng từ 80-100 triệu đồng. Chị xây được nhà cửa khang trang, con cái được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đến trường. Chị Lệ mỉm cười chia sẻ: “Gia đình tôi có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương, nhờ ơn Đảng, Nhà nước đã có các chính sách đầu tư hỗ trợ đối với hộ nghèo”.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỜI SỐNG
Hiện nay, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, tạo tiền đề cho phụ nữ nghèo, nông dân vùng sâu, vùng xa có nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, học nghề, tiếp cận các chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, chị em còn được chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, nâng cao nhận thức các vấn đề về giới, gia đình, xã hội.
Tuy nhiên, có thể thấy tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong đời sống xã hội và trở thành rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Để chăm lo đời sống mọi mặt, nâng cao vai trò, bảo vệ quyền lợi, quyền bình đẳng giới cho phụ nữ nông thôn, thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp với các cấp, các ngành mở nhiều lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nữ; tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, vệ sinh an toàn thực phẩm; nước sạch và vệ sinh môi trường; chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, xây mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo. Song song đó, tích cực tuyên truyền các đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, dự án 3 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”. Các cấp Hội cũng đã thành lập các địa chỉ an sinh xã hội, các mô hình câu lạc bộ “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ không sinh con thứ 3”... Đồng thời triển khai sâu rộng các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng gia đình văn hóa, giỏi việc nước, đảm việc nhà…
Với hơn 50% phụ nữ nông thôn sinh sống ở các vùng miền khác nhau trong tỉnh, có thể nói cùng những nỗ lực không ngừng của các cấp Hội Phụ nữ, các cấp, các ngành cũng như sự vượt khó vươn lên của hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh, chất lượng cuộc sống và vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng nâng cao. Điều này góp phần thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng như sắp tới.