Hành động vì quyền của trẻ em gái

  •   Thứ sáu - 14/10/2016 14:08
  •   1048
  •  0
Mỗi trẻ em gái đều có quyền bước vào tuổi trưởng thành một cách an toàn và thành công trong tương lai. Tuy nhiên hiện nay, trẻ em gái vẫn là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, bị tước đoạt các quyền và cơ hội trong cuộc sống do bất bình đẳng giới gây ra. Ngành Dân số tỉnh đang triển khai các chương trình hành động nhằm giúp các em gái tiếp cận các quyền đáng có.
 
Nguy cơ của trẻ em gái
 
Hanh dong vi quyen cua tre me gái ANH TUYET DIEU
Học sinh thuyết trình trong một chương trình chăm sóc SKSS VTN/TN trong trường học -
Ảnh: TUYẾT DIỆU
Theo khảo sát gần đây của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thông qua các chương trình truyền thông giáo dục giới tính, đa phần vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) rất thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục và các vấn đề về giới. Phần lớn các em đều tiếp cận kiến thức nhưng hiểu biết lệch lạc và chưa có kỹ năng để chăm sóc, bảo vệ bản thân. Đặc biệt là trẻ em gái tuổi teen, tuổi định hình nhân cách và rất dễ tổn thương về thể chất và tinh thần. Trong khi đó hiện nay, ở Phú Yên nữ giới từ 10-24 tuổi chiếm tỉ lệ cao, khoảng 12% dân số toàn tỉnh.
 
Hai hiện tượng phản ánh bất bình đẳng giới mà ngành Dân số quan tâm là tình trạng kết hôn sớm và nếp nghĩ trọng nam khinh nữ. Theo cảnh báo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, nữ giới kết hôn sớm dễ phải đối mặt với các vấn đề như: bị bạo lực tình dục; thể chất và tinh thần chưa kịp đáp ứng cho việc sinh con; hạn chế cơ hội tiếp cận với giáo dục, tìm kiếm công việc tạo thu nhập ổn định và phát triển kinh tế bền vững…
 
Chị T. ở xã Ea Bá, huyện Sông Hinh, cho biết: “Tôi cưới chồng năm 17 tuổi. Sau đó, tôi tiếp tục đi học ở TP Tuy Hòa. Chồng tôi ghen nên đánh suốt, tôi chịu hết nổi nên đã ly hôn. Theo phong tục, con gái dân tộc thiểu số thường phải lấy chồng rất sớm. Nhưng tôi muốn tương lai tươi sáng hơn nên dù đã lấy chồng, tôi cũng quyết tâm đi học. Hiện nay, tôi đã có công việc ổn định. Tôi nhận thấy có rất nhiều chị em người dân tộc thiểu số lấy chồng sớm và chịu nhiều áp lực trong cuộc sống”.
 
Phú Yên đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng, với tỉ số 112 bé trai/100 bé gái, trong khi đó, tỉ số này ở mức bình thường là 103-107 bé trai/100 bé gái. Phú Yên sẽ đối mặt với tình trạng thừa nam thiếu nữ nghiêm trọng trong tương lai gần. Mà một trong những lý do dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ nghiêm trọng này bắt nguồn từ quan niệm trọng nam khinh nữ của nhiều người.
 
Khơi mở tiềm năng trẻ em gái
 
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang phối hợp với Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục giới tính theo giáo trình của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực DS-KHHGĐ) tại 10 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Giáo trình này đã hỗ trợ nữ VTN trong nhà trường chủ động trong việc tiếp cận kiến thức chăm sóc SKSS và bình đẳng giới. Bên ngoài trường học, mỗi xã có các CLB Cha mẹ và VTN/TN về SKSS/sức khỏe tình dục đang họạt động theo đề án Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Các CLB này chủ yếu thu hút các bạn nữ trẻ tuổi tham gia. Hoạt động truyền thông theo định kỳ hàng quý, sử dụng hình thức kịch tương tác, trực tiếp trao đổi, học hỏi kiến thức và kỹ năng chăm sóc SKSS.
 
Để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em gái, UBND tỉnh đã ký ban hành kế hoạch triển khai can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chủ đề này. Việc tuyên truyền không chỉ hướng vào nhóm đối tượng người dân mà còn mở rộng chú trọng tuyên truyền nhóm lãnh đạo, người có uy tín và người làm dịch vụ siêu âm trong cộng đồng. Chi cục DS-KHHGĐ cũng đang phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh.
 
Ông Lê Văn Cư, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đồng Xuân, cho biết: “Huyện Đồng Xuân sớm triển khai mô hình CLB Phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống từ năm 2013, nay tiếp tục phối hợp công tác này với Phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân. Các hoạt động đã triển khai góp phần giúp trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện hiểu biết về các quyền của mình. Nhờ vậy, tình trạng kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống giảm rõ rệt. Các em gái dân tộc thiểu số chú trọng hơn đến việc học tập”.
 
Mặc dù các hoạt động vì quyền của trẻ em gái được triển khai mang lại nhiều kết quả tốt, song vẫn còn nhiều chương trình hành động và hoạt động của các mô hình sinh hoạt CLB hoạt động chưa tích cực. Ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho hay: “Các hoạt động tôn vinh trẻ em gái như hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình phụ nữ sinh con một bề là gái, không sinh con thứ 3… mang lại hiệu quả tuyên truyền tích cực. Song vì kinh phí hạn hẹp nên chi cục không có điều kiện tổ chức thường xuyên. Để nâng cao vị thế và trao quyền cho trẻ em gái cần phải có giải pháp bền vững, trong đó phải có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Y tế, GD-ĐT…”.
 
DIỆU ANH

Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 14

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 13

Tổng lượt truy cập: 5,403,660

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây