“Vần đổi công” – nét đẹp văn hóa trong phong trào phụ nữ
Thứ hai - 21/08/2023 22:16
1852
0
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Yên, trong 6 tháng đầu năm 2023 các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã vận động hội viên, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó mô hình “Vần đổi công” đã được các cấp Hội huy động giúp nhau 7.847 ngày công lao động.
Vần đổi công là nét đẹp văn hóa trong lao động, sản xuất đã có từ lâu, đến nay vẫn được các cấp Hội phụ nữ, nhất là vùng nông thôn, miền núi tỉnh Phú Yên giữ gìn và phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” trong phong trào phụ nữ, đồng thời giúp chị em giải quyết được bài toán thiếu nguồn lao động ở nông thôn.
Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân Nguyễn Thị Bé – chia sẻ: Việc giúp nhau ngày công lao động được chị em phụ nữ thực hiện thường xuyên. Tiêu biêu như tại Chi hội thôn Triêm Đức thành lập một tổ “Vần đổi công” gồm 7 chị. Các chị thường tập trung làm giúp đỡ qua lại lẫn nhau như cắt cỏ, đốn củi, làm cỏ, bón phân, thu hoạch lúa, sắn, bắp, các loại hoa màu... Để chủ động trong công việc, các chị lên kế hoạch việc nào nên làm trước, việc nào làm sau nên vần đổi công diễn ra thuận lợi. Nhờ vậy mà công việc hoàn thành kịp thời gian, thời vụ, giúp giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng thu nhập. Mô hình không chỉ giúp người dân hỗ trợ nhau ngày công lao động, sản xuất, mà còn giúp các hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm”.
Bà Nguyễn thị Nhơn ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 xúc động nói: Là phụ nữ neo đơn không chồng, con, vụ đông Xuân vừa rồi thời tiết mưa nhiều, nên việc xuống giống lúa rất vất vả. Đám ruộng 1,000 m2 của tôi lại ở dưới trũng, lúc gieo hạt gặp mưa liên tục nên bị hư hỏng nặng, lúa mọc thưa thớt. Nhờ Hội LHPN xã đã vận động chị em trong ban chấp hành và chị em trong thôn xóm kẻ giúp của, người giúp công nhổ mạ, tách mạ, cấy dặm. Kết quả đã giúp cô hoàn thành đám ruộng với 13 công cấy dặm và gần 1,2 triệu đồng để mua phân và chăm sóc đám ruộng. Nhờ vậy mà thu hoạch vụ này đạt năng suất cao, tôi rất cảm ơn Hội LHPN xã đã quan tâm đến hội viên phụ nữ khó khăn như tôi”.
Mô hình “Vần đổi công” cũng ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng huyện Sông Hinh. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn huyện đã có hơn 300 hội viên phụ nữ vần đổi 791 ngày công lao động. Bà Nay Hờ Nhơn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sông Hinh cho hay: Việc vần đổi công tại huyện Sông Hinh có từ lâu và vẫn được chị em phụ nữ duy trì. Nhất là gần đây, tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa trên địa bàn ngày càng nhiều nên việc thiếu hụt nhân lực trong lao động, sản xuất, từ đó người dân nhận thấy vần đổi công là giải pháp tốt nhất để có nhân công lao động, giúp các hộ dân giảm chi phí. Mô hình này được đông đảo người dân, nhất là chị em phụ nữ đồng tình tham gia.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Yên Nguyễn Thị Phương Liên cho biết thêm: Mô hình “Vần đổi công” được các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh nhân rộng, lản tỏa nhất là vùng nông thôn, miền núi. Đặc biệt, là từ sau Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Phú Yên nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, mô hình “Vần đổi công” là một trong những mô hình tôn lên nét đẹp văn hóa “nghĩa tình” của con người Phú Yên mà các cấp Hội đang triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh về xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện. Đồng thời phần nào giải quyết vấn đề thiếu lao động ở địa phương, giảm chi phí thuê nhân công nên lợi nhuận của nông dân tăng lên. Tuy nhiên mô hình “vần đổi công” hiện nay còn mang tính tự phát, chưa đi vào nề nếp, chưa được hướng dẫn cách thức thực hiện. Để tiếp tục giữ gìn và phát huy hiệu quả mô hình này, trong thời gian tới các cấp Hội cần có sự đầu tư để đưa mô hình này đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả và nhân rộng trên toàn tỉnh.