Chung sức vì sự tiến bộ của phụ nữ

  •   Thứ tư - 07/03/2018 23:02
  •   2771
  •  0

Bình đẳng giới là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, là một trong những tiêu chí để đánh giá sự phát triển của xã hội. Nhân kỷ niệm 108 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1.978 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) tỉnh Phan Đình Phùng về công tác bình đẳng giới và hoạt động VSTBCPN trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

* Có thể nói, công tác bình đẳng giới ở Phú Yên ngày càng có những chuyển biến tích cực. Với vai trò Trưởng Ban VSTBCPN tỉnh, ông đánh giá như thế nào về công tác này trong thời gian qua?

- Thời gian qua, công tác bình đẳng giới ở Việt Namnói chung và Phú Yên nói riêng có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau khi có Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này. Có thể nói, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đối với công tác bình đẳng giới ngày càng được nâng lên; định kiến giới từng bước được khắc phục; việc tham gia xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác phụ nữ được quan tâm; khoảng cách giới từng bước được thu hẹp lại; phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, vị thế của phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện các mục tiêu, các chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới về một số lĩnh vực như chính trị, lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, giáo dục - đào tạo... cơ bản hoàn thành.

Như chúng ta đã biết, bình đẳng giới là một trong những tiêu chí để đánh giá sự phát triển của xã hội. Mục tiêu rất quan trọng của bình đẳng giới là nâng cao vai trò và trao quyền cho phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là trong hoạt động bầu cử, trong việc tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì vậy mà thời gian qua ở Phú Yên, công tác cán bộ nữ được chú trọng và tỉ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý ở các sở, ngành được nâng lên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành đề án Về thí điểm tăng thêm chức danh cấp phó để tạo nguồn cán bộ quản lý lãnh đạo, chọn 10 đơn vị để thực hiện; từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã bổ nhiệm 13/23 người, chiếm trên 56% cán bộ nữ giữ cấp phó các sở, ngành và tương đương. Tỉ lệ nữ tham gia ĐBQH khóa XIV là 1/6, chiếm tỉ lệ 16,6%. Nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 cấp tỉnh 14/50 người, chiếm 28%; cấp huyện 60/295 người, chiếm 20%; cấp xã 736/2.944 người chiếm 25%…

Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Phú Yên - Ảnh: NGỌC DUNG

* Vai trò của các cấp Hội LHPN Phú Yên đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới của tỉnh nhà như thế nào, thưa ông?

- Với chức năng, nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, những năm qua, các cấp Hội LHPN Phú Yên luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng vì sự tiến bộ, bình đẳng và phát triển của phụ nữ tỉnh nhà.

Hội đã phát huy vai trò đại diện giới trong tham gia phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ nữ, giới thiệu cho Đảng, chính quyền những cán bộ nữ ưu tú để kết nạp Đảng và tham gia giữ các chức vụ lãnh đạo các cấp… Các cấp Hội luôn gắn 5 mục tiêu của VSTBCPN với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội; đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện 2 cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”… Đặc biệt, cuộc vận động rèn luyện giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đã và đang được các cấp Hội triển khai, góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và phụ nữ nói riêng về những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại trong thời kỳ mới.

Tôi cũng đánh giá cao chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình của các cấp Hội. Năm qua, toàn tỉnh có gần 3.600 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo được giúp phát triển kinh tế, khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.

Cán bộ Hội LHPN các cấp trao đổi nghiệp vụ công tác Hội - Ảnh: NGỌC DUNG

* Thưa ông, để thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, thời gian tới, Phú Yên cần có những giải pháp gì?

 - Theo tôi, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác bình đẳng giới, nhất là người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, kiện toàn Ban VSTBCPN ở các cấp, lồng ghép giới vào quá trình xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị... Bên cạnh đó, phụ nữ Phú Yên cần chú trọng hơn nữa việc rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” nỗ lực khẳng định bản thân, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

* Xin cảm ơn ông!

 NGỌC DUNG (thực hiện)

Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 26

Tổng lượt truy cập: 3,899,459

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây