Phát huy vai trò của Hội trong giám sát và phản biện xã hội

  •   Thứ ba - 17/12/2019 16:43
  •   2557
  •  0

Phó Chủ tich Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh trao đổi về công tác GS-PBXH cho cán bộ Hội cơ sở. Ảnh: NGỌC DUNG

Giám sát và phản biện xã hội (GS-PBXH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp Hội LHPN các cấp thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

GS-PBXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội thực hiện theo Quyết định 217-QÐ/TW và Quyết định 218-QÐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế GS-PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, chính trị - xã hội; nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền; đồng thời còn là chương trình hành động thực hiện khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác GS-PBXH tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ” nhiệm kỳ 2017-2022.

Tăng cường công tác giám sát

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết: Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế GS-PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát chủ trì giám sát các chính sách có liên quan đến tổ chức Hội và phụ nữ.

Cụ thể trong năm 2019, Hội LHPN tỉnh tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới tại 3 đơn vị cấp huyện và 3 đơn vị cấp xã, phường ở TP Tuy Hòa và phường 1; huyện Tuy An và xã An Hải; huyện Đồng Xuân và xã Xuân Sơn Nam; giám sát gián tiếp qua báo cáo ở các huyện: Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa và TX Sông Cầu. Đồng thời tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện đảm bảo bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ, hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực gia đình và đời sống xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại UBND huyện Tuy An và huyện Tây Hòa.

Bên cạnh đó, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và 112 xã, phường, thị trấn đều chủ trì giám sát và phối hợp giám sát một số chính sách an sinh xã hội như: Việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý nhà nước các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đối với UBND các xã, phường và các cơ sở mầm non tư thục; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; hỗ trợ kinh phí hoạt động chi hội thuộc các xã đặc biệt khó khăn; chế độ chính sách hỗ trợ phụ nữ đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi có hoàn cảnh khó khăn; việc thực hiện bảo hiểm y tế và làm giấy khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi; kinh phí trồng hoa tại các thôn; kinh phí hoạt động của ban công tác mặt trận thôn…

Sau các đợt giám sát, các cấp Hội đều có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và được các cơ quan, đơn vị tiếp thu, giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện chế độ chính sách tại các địa phương, đơn vị. Qua đó phát huy quyền làm chủ của phụ nữ, khẳng định vai trò, chức năng của tổ chức Hội trong tập hợp, truyền đạt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Tích cực góp ý xây dựng Đảng, chính quyền

Thời gian qua, với vai trò là thành viên ban chỉ đạo các chương trình, dự án của tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã trực tiếp tham gia góp ý 159 văn bản dự thảo như: văn bản của UBND tỉnh về việc “Thực hiện các biện pháp, giải pháp giải quyết tình hình người Việt Nam vi phạm pháp luật tại Nhật Bản”; kế hoạch triển khai Quyết định 1677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025; Báo cáo chính trị Đại hội MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024; dự thảo thời gian thụ hưởng Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2018-2021”; góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương…

Nhiều ý kiến đóng góp xác đáng của Hội được cấp thẩm quyền tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao. Ngoài ra, các cấp Hội còn đóng góp ý kiến phản biện xã hội về những vấn đề như: bình đẳng giới trong lao động, việc làm; trong lĩnh vực phụ nữ tham chính, chất lượng nữ lãnh đạo, quản lý; quyền bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam, nữ trong công việc và trong gia đình...

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết, có thể nói các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, GS-PBXH của các cấp Hội ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, từng bước đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của hội viên, phụ nữ.

Tuy nhiên, trong công tác này tổ chức Hội cũng gặp không ít khó khăn như năng lực đội ngũ cán bộ tuyên truyền pháp luật chưa đồng đều; việc nghiên cứu, nắm bắt, đề xuất các chính sách liên quan đến phụ nữ còn hạn chế; việc tham gia góp ý dự thảo các văn bản pháp luật, chính sách ở địa phương, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền một số nơi còn hạn chế; một số cán bộ Hội còn lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ GS-PBXH...

Để công tác GS-PBXH đạt hiệu quả, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền hàng năm, Hội LHPN tỉnh tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội. Mới đây, Tỉnh Hội mở 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về công tác GS-PBXH cho 233 cán bộ Hội cấp huyện, cấp cơ sở.

Nói về công tác này, chị Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã An Nghiệp (huyện Tuy An), chia sẻ: Nhờ tham gia các lớp tập huấn của Hội Phụ nữ huyện, tỉnh mở mà cán bộ Hội cơ sở chúng tôi có thêm kiến thức, kỹ năng tốt hơn trong việc chuẩn bị kế hoạch, thực hiện kế hoạch, viết báo cáo cũng như lựa chọn những vấn đề GS-PBXH sát với chức năng, nhiệm vụ của Hội, với đời sống của hội viên phụ nữ cơ sở… 

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng công tác GS-PBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, nhất là những vấn đề bức xúc ở cơ sở. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ Hội; nâng cao chất lượng hoạt động CLB Tư vấn hỗ trợ pháp luật cho phụ nữ. Phối hợp với các sở, ngành trong tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chính sách pháp luật về phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; tư vấn, hỗ trợ pháp luật, giải quyết đơn thư khiếu nại, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

NGỌC DUNG

Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 22

Thành viên online: 1 (quantrivien)

Khách viếng thăm: 21

Tổng lượt truy cập: 5,087,051

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây