Hội LHPN tỉnh: Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
Thứ năm - 31/10/2019 08:07
1407
0
Tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Theo số liệu thống kê của lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Yên, tính từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn tỉnh Phú Yên xảy ra 91 vụ trẻ em bị xâm hại. Trong đó, số trẻ em gái 84 trường hợp (chiếm tỷ lệ 92%), trẻ em trai 07 trường hợp (chiếm tỷ lệ 0,8%). Đa số, các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa hoặc ly hôn, ít quan tâm chăm sóc, các em phải sống nhờ vào người thân trong gia đình hoặc hàng xóm...
Trước thực trạng trên, trong những năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường phối hợp với các cấp, ngành trong vận động, xây dựng mô hình ngăn ngừa, giảm tác hại của bạo lực gia đình, bạo lực giới, góp phần đáp ứng yêu cầu về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Với tiêu chí “không để vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực giới, xâm hại trẻ em nào được phát hiện mà không có sự hỗ trợ của Hội”, các cấp Hội đã phát huy được vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ em. Cơ bản, những vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn được phát hiện đều có sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động hội viên tích cực tham gia tố giác hành vi xâm hại trẻ em, nhất là ngay tại gia đình mình, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội, Công an tỉnh... tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho phụ nữ và nhân dân: Tổ chức 07 Hội thi tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới tại 07 huyện, có 274 thí sinh tham gia với hơn 1.500 hội viên cơ sở tham dự và tổ chức 37 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 2.200 hội viên, phụ nữ tham gia. Tổ chức 250 nhóm truyển thông tại cộng đồng, thu hút 12.500 hội viên, phụ nữ tham gia. đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động giám sát, tham gia phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, phân bổ nguồn lực phòng, chống xâm hại trẻ em. Cụ thể Năm 2018 tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về Luật phòng, chống bạo lực gia đình tại 08 đơn vị (04 cấp huyện và 04 cấp xã); đồng thời giám sát gián tiếp thông qua báo cáo 05 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh tại 06 đơn vị (03 cấp huyện và 03 cấp xã) và giám sát gián tiếp qua báo cáo 06 đơn vị. Thông qua đó, Hội đã kịp thời phát hiện những vụ việc, những khó khăn vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan chức năng, đề xuất những giải pháp phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em… Đặc biệt, tích cực thực hiện chủ đề năm 2019 do Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN các cấp tổ chức Lễ phát động năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với nhiều nội dung cụ thể phù hợp với địa phương. Cấp tỉnh tổ chức Lễ phát động "An toàn cho phụ nữ và trẻ em"; Diễn đàn “Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em”; Tổ chức Hội nghị đối thoại, tư vấn về “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” tại huyện Sông Hinh có 100 cán bộ, hội viên và người dân tham dự; thành lập 03 CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông” tại 3 huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh; phối hợp với Công an tiếp tục duy trì mô hình “Giúp em vươn lên” tại Phường 2, TP Tuy Hòa... Qua đó, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền trẻ em, góp phần hạn chế các hành vi bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em.
Để công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền ở cấp cơ sở để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho mọi người dân để cùng chung tay thực hiện tốt việc bảo vệ cho trẻ em. Công tác tuyên truyền cần hướng về cơ sở và phải được đổi mới đa dạng về hình thức. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần tuyên truyền để mỗi hội viên phụ nữ đều có đủ kiến thức để đồng hành, bảo vệ và trang bị cho con cái những kỹ năng cần thiết trong việc phòng, chống xâm hại. Hội Liên hiệp Phụ nữ ở cơ sở cần sâu sát, nắm chắc số lượng trẻ, hoàn cảnh của trẻ và có giải pháp bảo vệ tốt. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ kịp thời các trường hợp trẻ bị xâm hại để các em sớm hòa nhập cộng đồng..