Lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cấp Hội Phụ nữ Phú Yên
Thứ sáu - 02/08/2019 15:27
2959
0
Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cấp Hội Phụ nữ đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, có sức lan tỏa. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, có tác dụng và hiệu quả thiết thực, huy động được sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ và nhân dân, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 2009 – 2019 trong các cấp Hội Phụ nữ, một số kinh nghiệm được rút ra trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua đó là: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và các nhiệm vụ của Hội. Trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” triển khai trong hệ thống Hội và đưa vào nội dung ký giao ước thi đua hàng năm đạt kết quả cụ thể, thiết thực. Mô hình “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới
Một trong những mô hình “Dân vận khéo” phải được kể đến đó là gắn “Dân vận khéo” với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể: “Mỗi xã, phường, thị trấn đăng ký ít nhất 01 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới”. Với những cách làm riêng, sáng tạo, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện tình hình của mỗi địa phương, nổi bật nhất là mô hình trồng hoa ven đường, bồn hoa ven nhà. Ban đầu, các đơn vị gặp không ít khó khăn như: Diện tích đất để trồng hoa ít vì đa phần các con đường đã được bê tông hóa; nơi có đất thì nhiều sỏi đá. Mặt khác, thời tiết thất thường mùa nắng thì hạn hán kéo dài, mùa mưa thì mưa lớn, lũ lụt liên tiếp; các giống hoa ở địa phương không nhiều, chưa đa dạng về chủng loại, có nơi trâu bò chăn thả tự do, dễ phá hỏng đường hoa...
Để khắc phục tình trạng trên, các cơ sở Hội đã có nhiều cách làm hay. Ban đầu, Hội trích quỹ mua giống hoa, phân bón, phát động BCH Hội phụ nữ xã làm đường hoa mẫu trước, sau đó hướng dẫn, hỗ trợ các chi hội làm theo. Phát động các gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ tự nhân giống hoa tại gia đình, vận động các hộ gia đình tự nguyện trồng và chăm sóc đường hoa trước cửa gia đình mình. Những nơi đất cằn cỗi thì chị em đổ thêm đất màu để hoa phát triển tốt. Để tránh việc đường hoa bị trâu bò phá, Hội đã phân công nhiệm vụ cụ thể, đoạn đường hoa thuộc chi hội nào thì chi hội đó có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ. Với những cách làm sáng tạo, đến nay, đã có khoảng 50 cơ sở Hội trồng được hàng 100 km đường hoa, nhiều đường hoa tạo cảnh quang xanh, sạch, đẹp cho đường làng, ngõ xóm.
Chị Lương Thị Bạch Huệ, chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Hòa cho biết: “Mô hình trồng hoa ven đường, bồn hoa ven nhà là một trong những mô hình góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ban đầu một vài cơ sở Hội tham gia đến nay đã có 11/11 cơ sở Hội triển khai và đã trồng được 34 km đường hoa, nhiều tuyến đường của xã trở nên thoáng mát, tạo cảnh quang môi trường” xanh, sạch, đẹp.
“Dân vận khéo” trong thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hay như mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “ Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà trọng tâm là thực hành tiết kiệm theo gương Bác cũng có sức lan tỏa lớn trong các cấp Hội và hội viên, phụ nữ. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được triển khai rộng khắp như: “Hũ gạo tình thương”, “Cho đi là còn mãi”, “Qũy tấm lòng vàng”, “Ba tiết kiệm”, “Quả dừa tiết kiệm”, “Heo đất tiết kiệm”, “Hộp tiền tiết kiệm giúp em đến trường”, “Trái tim đồng cảm”, “Nồi cháo tình thương”, “Bếp ăn từ thiện giúp bệnh nhân nghèo”, treo ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất tại gia đình, chuyển giao vật dụng cũ, tiết kiệm giấy loại... Đến nay 100% cơ sở Hội đã xây dựng 763 mô hình thực hành tiết kiệm theo gương Bác. Tiêu biểu là mô hình “Hũ gạo yêu thương” Khu phố Bắc Lý (Thị trấn Củng Sơn), thôn Tân Lương (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa); “Vườn an sinh xã hội giúp phụ nữ và trẻ em nghèo” xã An Thạch, huyện Tuy An; Quả dừa tiết kiệm (TX Sông Cầu); Bếp ăn từ thiện giúp bệnh nhân nghèo (huyện Tây Hòa)... Qua đó, đã tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ hàng ngàn phụ nữ vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Được nhận hỗ trợ từ mô hình “Vườn an sinh xã hội giúp phụ nữ và trẻ em nghèo” xã An Thạch chị Trần Thị Thanh Thênh, 31 tuổi ở thôn Phú Thịnh chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, bản thân tôi bị bệnh hiểm nghèo lại không có việc làm ổn định, nhờ Hội LHPN xã An Thạch cho mượn 2 triệu đồng, tôi thêm tiền mua máy ép nước mía giải khát để kinh doanh. Công việc phù hợp với sức khỏe của bản thân lại giúp tôi dần ổn định cuộc sống. Hay như các chị Đặng Thị Nhung ở thôn Quang Thuận, chị Biện Thị Diệu ở thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, huyện Tuy An đều thuộc diện hộ nghèo được Hội LHPN xã hỗ trợ mỗi chị từ 8,5 – 10 triệu đồng để chăn nuôi bò, gà… nhờ vậy mà cuộc sống của các chị phần nào giảm bớt khó khăn. Vận dụng mô hình “Dân vận khéo” trong công tác tập hợp thu hút hội viên
Các cấp Hội đã khéo léo vận dụng mô hình “Dân vận khéo” trong công tác tập hợp thu hút hội viên đến với tổ chức Hội, với phương châm “Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu cho hoạt động Hội” và “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, cụ thể chỉ đạo mỗi cơ sở Hội phấn đấu có ít nhất 01 mô hình tập hợp thu hút hội viên phù hợp tình hình, đặc điểm của địa phương. Đến nay, đã có 100% cơ sở Hội triển khai thực hiện, nhiều mô hình tập hợp hội viên mang lại hiệu quả cao như: mô hình “3 được” (được thể hiện, được kiến thức, được biểu dương) xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), mô hình thể dục nhịp điệu tạo sân chơi bổ ích cho hội viên xã An Nghiệp (huyện Tuy An); mô hình Kỷ niệm ngày chị sinh (huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Đông Hòa), mô hình kết nghĩa giữa chi hội người có đạo với chi Hội người không có đạo; kết nghĩa giữa chi Hội phụ nữ kinh với chi Hội phụ nữ dân tộc thiểu số (huyện Sơn Hòa)… Nhờ vậy mà chất lượng hoạt động Hội ngày càng được nâng lên; tỷ lệ cơ sở Hội xếp loại xuất sắc, vững mạnh, khá chiếm 95% - 99%; cơ sở Hội xếp loại trung bình chiếm 0,89%, không còn cơ sở Hội xếp loại yếu. Tổng số hội viên toàn tỉnh hàng năm đều nâng lên, hiện nay số hội viên lên đến 155.563 người, chiếm 67,74% so với PN từ 18 tuổi đến già.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết thêm: Việc xây dựng những mô hình “Dân vận khéo” của Hội LHPN các cấp với những việc làm vừa cụ thể, thiết thực, vừa gần gũi với đời sống của chị em phụ nữ luôn được các cấp uỷ, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của phụ nữ, qua đó, phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư, tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh./.
Thu Huyên
(Theo Bản tin Phụ nữ Phú Yên quý 3.20190