Nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính

  •   Thứ sáu - 29/03/2019 13:45
  •   2015
  •  0

Các học viên chia sẻ kỹ năng thu thập thông tin để nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu HĐND ở địa phương - Ảnh: NGỌC DUNG

Tổ chức APHEDA Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với Hội LHPN tỉnh Phú Yên triển khai các hoạt động của dự án Thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) và nâng cao năng lực (NCNL) cho phụ nữ tham chính do Cộng hòa Ireland, Chính phủ Australia và Tổ chức Nhân dân Australia vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại (APHEDA) tài trợ. Báo Phú Yên phỏng vấn bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Giám đốc tổ chức APHEDA Việt Nam xung quanh các hoạt động này.

 * Tổ chức APHEDA Việt Nam vừa phối hợp Hội LHPN tỉnh Phú Yên tổ chức lớp tập huấn cho nhóm điều phối cấp huyện và trưởng mạng lưới nữ đại biểu HĐND cấp xã. Mục tiêu mà khóa tập huấn này hướng đến là gì thưa bà?

- Trong dự án mà chúng tôi triển khai có ba nhóm hoạt động. Ở cấp tỉnh có CLB Nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh; ở cấp huyện có nhóm điều phối; ở cấp xã thì có mạng lưới của cấp xã. Vai trò của nhóm điều phối cấp huyện là thúc đẩy hoạt động mạng lưới HĐND cấp xã.

Mục tiêu của khóa tập huấn kỹ năng cho nhóm điều phối cấp huyện và trưởng mạng lưới nữ đại biểu HĐND cấp xã là thúc đẩy vai trò, kỹ năng của mạng lưới cấp xã cũng như các nhóm điều phối của cấp huyện. Sau đó, các thành viên này sẽ về địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho nữ đại biểu HĐND cấp xã, giúp các đại biểu nữ HĐND thể hiện tốt hơn vai trò người đại biểu dân cử.

Ở lớp tập huấn này, chúng tôi tập trung đi sâu vào việc nâng cao kỹ năng cho nhóm điều phối trong việc tổ chức cuộc họp, những điều nên làm trong việc phát triển mạng lưới, kỹ năng phát huy sự tự tin cho các nữ đại biểu…

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng - Ảnh: NGỌC QUỲNH

* Dự án Thúc đẩy BĐG và NCNL cho phụ nữ tham chính triển khai ở Phú Yên trong rất nhiều năm. Vậy từng năm, dự án sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa bà?

 - Dự án chúng tôi làm việc với 4 cấp, từ Trung ương đến cơ sở (xã). Ở cấp Trung ương, chúng tôi muốn tác động nhiều hơn về các phần liên quan đến hoạch định, chính sách; còn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì muốn tăng vai trò của nữ đại biểu HĐND.

Ở cấp Trung ương, chúng tôi phối hợp với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và có một số hợp tác nhỏ với Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tuy nhiên không tập trung nhiều, mà triển khai nhiều hơn ở 3 cấp còn lại.

Trong vòng 4 năm (2017-2021), dự án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu 3 năm, từ năm 2017 đến đầu năm 2021 là giai đoạn trước bầu cử; giai đoạn thứ hai 1 năm là giai đoạn sau bầu cử.

Giai đoạn trước bầu cử, dự án tăng cường năng lực cho những nữ đại biểu đã được bầu chọn, giúp họ thể hiện tốt vai trò của bản thân để các cử tri tin tưởng bầu chọn cho nữ nhiều hơn trong kỳ tiếp theo; lồng ghép giới vào các chính sách của địa phương, phối hợp với cấp tỉnh xây dựng các chỉ số chuyên sâu về BĐG vào các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương.

Ở cấp xã thì chủ yếu tập trung vào NCNL cho các nữ đại biểu HĐND cấp xã, thông qua các khóa tập huấn, các cuộc họp mạng lưới. Trong giai đoạn đầu với mục đích mang tầm vĩ mô mong muốn tỉnh sẽ có nhìn nhận về vấn đề giới, lồng ghép giới vào trong chính sách rõ hơn, cụ thể hơn. Sau khi bầu cử, chúng tôi cũng có một số hoạt động để NCNL cho các đại biểu.

* Sau một thời gian triển khai trên địa bàn các tỉnh nói chung và Phú Yên nói riêng, bà đánh giá như thế nào về những kết quả mà dự án mang lại?

- Phú Yên là 1 trong 3 tỉnh tham gia dự án, tuy nhiên Phú Yên tham gia sau so với hai tỉnh Bắc Kạn và Hải Dương. Ở Phú Yên, dự án đang triển khai tại 12 xã của hai huyện Đồng Xuân, Phú Hòa. Hiện tại, Phú Yên cũng đã có mạng lưới của nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, mạng lưới này đã họp 3 lần.

Còn ở cấp xã, mỗi xã cũng đã có 4 cuộc họp mạng lưới cấp xã. Và qua các cuộc họp này năng lực của các nữ đại biểu nâng lên, các chị tự tin hơn. Mặc dù trong nhiệm kỳ đại biểu HĐND theo kế hoạch cũng có một số hoạt động tập huấn của HĐND tổ chức, tuy nhiên cả nhiệm kỳ thì HĐND cấp xã chỉ có thể tham gia 1-2 khóa tập huấn.

Giảng viên chia sẻ kỹ năng cho học viên trong việc nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu HĐND
- Ảnh: NGỌC QUỲNH

Vì vậy, các khóa tập huấn của dự án chuyên sâu hơn và có nhiều cơ hội để các nữ đại biểu tham gia cũng như cập nhật kiến thức đầy đủ hơn. Trong các khóa tập huấn, chúng tôi tập trung vào các kỹ năng như: giám sát, tiếp xúc cử tri; phản hồi, phản biện; nói trước công chúng…

Thật ra những kỹ năng này cũng đơn giản thôi, thế nhưng đối với các nữ đại biểu HĐND cấp xã, đây là những điều rất cần thiết, đặc biệt là với những nữ đại biểu HĐND lần đầu tiên trúng cử.

Ở cấp tỉnh, chúng tôi đã thành lập CLB Nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh với 14 thành viên. Ở hai huyện Đồng Xuân, Phú Hòa thành lập 2 mạng lưới cho nữ đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã tham gia. Đặc biệt, năm 2018 Hội LHPN tỉnh Phú Yên phối hợp với HĐND tỉnh tổ chức hội thảo xây dựng chỉ số chuyên sâu về giới.

Trong cuộc hội thảo đó cũng đã nêu ra được hai chỉ số cụ thể, tập trung vào việc làm thế nào để tăng lãnh đạo nữ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cam kết tăng nguồn ngân sách cho BĐG của tỉnh trong năm nay. Đó là một thành công, theo tôi dự án cũng đã ít nhiều đạt được mục đích phấn đấu cho tăng cường nữ lãnh đạo tại Phú Yên.

* Bà đánh giá như thế nào về vai trò của Hội LHPN địa phương trong việc thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị?

- Trong việc thúc đẩy BĐG, mọi người sẽ nghĩ ngay đến cơ quan đầu mối có vai trò rất quan trọng đó là Hội Phụ nữ. Hội Phụ nữ là tổ chức tham mưu cho UBND tỉnh về các chính sách liên quan đến giới, tất nhiên bên Sở LĐ-TB-XH cũng có Phòng Công tác về BĐG; nhưng với vai trò tham mưu, Hội Phụ nữ sẽ là cơ quan đầu tiên đưa ra các ý kiến đóng góp để thúc đẩy cho việc BĐG, đặc biệt là trong kỳ đại hội Đảng sắp tới.

Hội Phụ nữ là cơ quan đầu mối giới thiệu những người có năng lực là nữ để tham gia trong vị trí lãnh đạo. Với những nỗ lực của Hội LHPN tỉnh Phú Yên, của dự án cũng như sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi hy vọng tỉ lệ nữ tham chính sẽ được tăng lên, đặc biệt là tỉ lệ nữ tham gia vào ĐBQH, HĐND trong nhiệm kỳ tới.

 * Xin cảm ơn bà!

 NGỌC DUNG (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10

Tổng lượt truy cập: 3,945,913

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây