Đang truy cập: 16
Máy chủ tìm kiếm: 1
Khách viếng thăm: 15
Tổng lượt truy cập: 5,387,662
- Đang truy cập16
- Hôm nay2,773
- Tháng hiện tại25,379
- Tổng lượt truy cập5,387,662
Đầu năm 1972, trong một trận càn, Sương bị địch bắt cùng gia đình về quận Hiếu Xương. Chúng đã giam Sương hơn hai tháng nhưng cuối cùng buộc phải thả ra vì chẳng thể khai thác được ở cô lấy một lời. Để bảo đảm an toàn cho Sương, cách mạng đã bố trí để Sương thoát ly lên núi. Đêm rằm tháng 5/1972 (âm lịch), một đêm trăng soi sáng cả làng mạc, núi rừng, cô bé Sương ngày nào nay đã 19 tuổi xinh tươi như hoa đồng nội, được bố trí cùng các thương binh của Đại đội 377 huyện Tuy Hòa 1 rời quê hương lên căn cứ cách mạng.
Nữ y tá giải phóng quân
Trở thành nữ giải phóng quân, Ngô Thị Sương được giao nhiệm vụ chuyển tin từ căn cứ về cơ sở và ngược lại. Với tính gan dạ, thông minh, trẻ và có nhan sắc, Sương đã khéo léo đưa mọi tin tức trót lọt qua tai mắt của bọn mật thám, chỉ điểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 8/1972, Sương được cử đi học y tá. Hoàn thành khóa học, cô về nhận công tác tại Bệnh xá Đồng Tàu, xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa 1 (nay là huyện Tây Hòa). Thời điểm năm 1972, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, không lúc nào ngưng tiếng bom rơi, đạn nổ. Các bác sĩ, y tá vừa liên tục tiếp nhận cứu chữa thương binh, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tự túc sản xuất lương thực, thực phẩm. Hàng ngày, họ còn phải tiếp xúc với những đau đớn của thương, bệnh binh và những hy sinh của đồng đội trong điều kiện thuốc men không có, thiếu thốn trăm đường; những vết thương nhiễm trùng, những ca mổ, cưa chân, tay không có thuốc mê, chỉ có sức chịu đựng can trường của người lính mới có thể vượt qua. Thương đồng đội, những nữ y tá thường đọc thư, hát, kể chuyện… cho thương binh nghe. Chị kể trong nước mắt: “Thương lắm em ơi! Thấy đồng đội, các chú, các anh bị thương đau đớn, gồng mình chịu đựng mà nát ruột, nát gan… Tụi chị chỉ biết nói lời động viên chứ lực bất tòng tâm, xót xa vô cùng…”.
Tháng 12/1972, vào đúng thời điểm chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Bệnh xá Đồng Tàu tiếp nhận nhiều thương, bệnh binh, trong đó có thương binh Nguyễn Văn Xướng bị gãy tay từ Hòa Bình chuyển lên trong trạng thái hôn mê vì bị nhiễm trùng uốn ván (tetanotspasmim), sốt co giật. Bác sĩ Măng Cư là người trực tiếp cắt phần hoại tử và điều trị. Không có thuốc, ông đã giao nhiệm vụ cho hai y tá (Ngô Thị Sương, Nguyễn Thị Thương) hàng ngày chăm sóc và tìm giòi ở các hố vệ sinh, chà rửa sạch lấy phần thân còn lại đốt lên thành tro pha với nước cô đặc từ cây chó đẻ (diệp hạ châu) để đắp vào vết thương, hòa nước cho thương binh uống. Bằng sự kiên nhẫn của hai y tá Sương, Thương, ròng rã hơn 6 tháng, thương binh Nguyễn Văn Xướng may mắn được cứu sống và phục hồi. Những năm sau này, người thương binh ấy và hai y tá trở thành tri kỷ của một thời đồng đội bên nhau.
Với sự cố gắng hết lòng vì thương binh, y tá Ngô Thị Sương đã sát cánh cùng các bác sĩ, y tá tận tình cứu chữa, giành lại sự sống cho nhiều thương, bệnh binh đến ngày kết thúc chiến tranh. Sau giải phóng, Ngô Thị Sương vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì.
Bà Ngô Thị Sương thời còn trẻ - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Hòa bình lập lại, Ngô Thị Sương được phân công công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân TP Tuy Hòa. Là cán bộ trưởng thành trong chiến tranh, trải qua thử thách ác liệt của chiến trường, bà luôn phát huy tốt những phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; là nữ cán bộ tiêu biểu của cơ quan và là người vợ, người mẹ đảm đang, chung thủy “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nay bà Sương đã nghỉ hưu, sống tại nhà số 04/71 Lý Thái Tổ, phường 6, TP Tuy Hòa. Với 45 tuổi đảng, bà luôn giữ vững phẩm chất trong sáng của đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sống hòa thuận với gia đình và luôn được bà con lối xóm tin yêu.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn; để có thắng lợi vẻ vang đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng ngã xuống, để lại muôn vàn tổn thất, thương đau cho rất nhiều mái ấm gia đình. Tại nhà riêng, Ngô Thị Sương đã lên chức bà nội. Bà đang chăm lo thờ cúng hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gần 20 liệt sĩ là thân nhân nội tộc. Bà nội chồng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cảnh. Mẹ có ba con trai, một con dâu và ba cháu nội là liệt sĩ. Mẹ chồng là Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Điền, bản thân mẹ, chồng và con trai là liệt sĩ. Mẹ Trần Thị Điền hoạt động cách mạng những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1962 bị địch phát hiện khi về bắt liên lạc với cơ sở, mẹ tìm cách chạy thoát thì bị chúng bắn chết, kẻ thù đang tâm cắt đôi vú và một tai của mẹ hòng uy hiếp tinh thần cách mạng của đồng bào ta… Lúc này, con gái út của mẹ Điền chưa đầy 6 tháng tuổi. Ngoài ra, trên bàn thờ của gia đình bà Sương còn thờ gần 20 liệt sĩ là thân nhân nội tộc của bà, trong đó có 5 người hy sinh trong chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968. Có liệt sĩ không thể lấy hài cốt về, có thể đã được cất bốc chung vào mộ tập thể, mộ chưa biết tên hoặc còn nằm lại ở đâu đó…
Tích cực làm thiện nguyện
Từ khi nghỉ hưu (2008), bà Ngô Thị Sương được nhiều người biết đến không chỉ vì luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động của địa phương mà còn vì bà có tấm lòng thiện nguyện, hết lòng giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Bà Sương đã trích 200.000 đồng từ đồng lương của mình giúp bà Lê Thị Minh Nguyệt ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa (là người đã tham gia kháng chiến chống Mỹ và là con của liệt sĩ) bị bệnh thận phải điều trị trong thời gian dài. Năm 2015, sức khỏe bà Nguyệt hồi phục; theo nguyện vọng của bà Nguyệt, bà Sương chuyển số tiền 200.000 đồng đó sang giúp đỡ cho bé Võ Thị Diễm Kiều, 13 tuổi (con của bà Lê Thị Diệu) ở khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), chạy thận tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.
Bà Sương còn là thành viên nhóm thiện nguyện tổ chức bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Nhóm đã không quản ngày đêm, mưa nắng sẵn sàng đi vận động, quyên góp từ nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh và trên cả nước ủng hộ giúp đỡ về kinh phí, gạo, thực phẩm… để các thành viên trong nhóm thay phiên nhau góp công nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vào ngày chủ nhật hàng tuần. Mỗi ngày, nhóm thiện nguyện phục vụ bình quân 300 suất ăn. Nhìn những nồi cơm, nồi thức ăn khói bốc nghi ngút, những khẩu phần ăn đến tay bệnh nhân và những nụ cười của họ mới thấy hết giá trị của tình người.
Ngoài ra, hàng năm nhân dịp tết cổ truyền, bà Sương còn vận động con cháu và người thân quyên góp tiền mua quà tặng các gia đình nghèo, mỗi năm vài triệu đồng, giúp người nghèo vui xuân đón tết đầm ấm. Nói về việc làm của mình, bà Sương chia sẻ: “Mình may mắn và hạnh phúc hơn các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, hơn những người có số phận éo le, bệnh tật nghèo khó… Mình nên nhường cơm sẻ áo giúp đỡ họ cho vong linh người đã khuất được tịnh yên, siêu thoát, cho những người khó khăn có cơ hội vươn lên… Mình làm thiện nguyện xuất phát từ tâm của mình, không ai bắt buộc cả”.
Cuộc đời bà Ngô Thị Sương là hiện thân sống động của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam can trường và giàu lòng nhân ái, anh hùng trong lao động, anh hùng trong chiến đấu. Khi có chiến tranh, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, “còn cái lai quần cũng đánh”. Khi hòa bình, họ là những người phụ nữ “trung hậu, đảm đang”, giàu lòng nhân ái, luôn biết nhường cơm, sẻ áo, sẻ chia, chở che những mảnh đời bất hạnh, hoạn nạn khó khăn, xứng đáng với danh hiệu cao quý Bác Hồ đã trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
NGUYỄN BÁ THUYẾT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Liên kết khác
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 16
Máy chủ tìm kiếm: 1
Khách viếng thăm: 15
Tổng lượt truy cập: 5,387,662