Sinh năm 1930 tại phường 1, thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên, từ năm 16 tuổi, bà Hồng Giác đã tham gia hoạt động cách mạng. Trong suốt gần 30 năm, từ kháng chiến chống Pháp qua kháng chiến chống Mỹ, đến khi đất nước giành được độc lập, bà đã bị địch bắt nhiều lần (3 lần bị bắt và kết án tù với tổng thời gian là 10 năm tù giam; nhiều lần bị quản thúc). Gần cả tuổi thanh xuân trôi qua sau song sắt của nhà tù Mỹ, Ngụy, nhưng người con gái miền biển Phú Yên ấy luôn giữ vững khí tiết và lòng son sắt với cách mạng.
Kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của bà là 2 lần thực hiện kế hoạch giải thoát cho 2 cán bộ cách mạng trong nội thị, mà kết quả là những lần bị bắt giam và tra tấn bằng những ngón đòn dã man nhất.
VỤ GIẢI THOÁT CHO BÍ THƯ TỈNH ỦY PHÚ YÊN LÊ ĐÀI
Vào lúc 0 giờ ngày 21/1/1956, theo kế hoạch, bà Giác cùng đồng đội tìm cách tiếp cận với Bí thư Lê Đài. Nhưng khi đến gần thì mới phát hiện người đó không phải Bí thư. Thì ra, địch đã nắm được kế hoạch của ta nên đã cho người đóng giả ông để bắt sống nhóm cán bộ cách mạng. Bị bất ngờ và trở tay không kịp, bà Giác cùng một số chiến sĩ cách mạng bị bắt.
Suốt 3 tháng trời ròng rã, bà bị địch cho nếm đủ mọi cực hình tra tấn dã man nhất. Ban ngày, chúng nhốt bà vào phòng biệt giam kín như bưng, khoảng 1 giờ đêm chúng mới lôi ra để tra khảo. Đang ở trong bóng tối ra gặp ánh sáng của các bóng điện hàng nghìn oát, bà bị choáng. Nhưng không để cho bà định thần, chúng dùng cùi chỏ, đầu gối đánh thúc vào ngực vào bụng; dùng cây sắt, roi gân bò quật lấy quật để; dùng nước xà phòng đổ vào miệng, trói giật cánh khuỷu rồi dí điện vào chỗ kín… Kẻ thù thay nhau tra tấn. Tên này mệt, tên khác vào thế chỗ, rồi tập trung lại đánh “hội đồng”. Khi bà bất tỉnh, chúng vứt ra thành giếng chờ tỉnh lại để đánh tiếp. Trước các ngón đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù, bà chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn kiên quyết không khai bất cứ một điều gì.
Sau 3 tháng tra khảo đánh đập mà không moi được thông tin gì, kẻ thù chuyển bà sang nhà lao Ngọc Lãng (thành phố Tuy Hòa). Trước mọi đòn roi tra tấn, một lòng kiên trung với cách mạng, bà vẫn không hé răng khai nửa lời.
Sau 2 năm giam cầm, đến tháng 2 năm 1958 địch buộc phải trả lại tự do cho bà.
Ra khỏi tù, bà lại lăn lộn tham gia hoạt động cách mạng ngay cùng các anh em đồng chí. Được giao nhiệm vụ lựa chọn một số thanh niên ưu tú có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình cách mạng, yêu nước để đưa lên căn cứ, bổ sung cho lực lượng vũ trang, gia đình bà trở thành một cơ sở nuôi giấu cán bộ, nơi hội họp của các cán bộ bí mật hoạt động nội thị. Với nhiệm vụ vận động tài chính trong quần chúng, bà hoạt động tích cực để có tiền mua sắm văn phòng phẩm, máy móc in ấn, thuốc men, dụng cụ y tế để gửi ra cho căn cứ cách mạng. Đó là những ngày hiếm hoi bà được tự do trước khi tiếp tục rơi vào tay địch…
VỤ GIẢI THOÁT HỤT LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THỌ
Vào một ngày tháng 9 năm 1960, bà nhận nhiệm vụ thực hiện kế hoạch giải thoát cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra khỏi nội thành, đưa lên vùng căn cứ.
Đúng 5 giờ như đã hẹn, bà mặc một bộ áo dài trắng thướt tha đến nhà ông Nguyễn Sự ở thị xã Tuy Hòa. Tại đây, bà Giác gặp bà Thừa Hoàng (tức Phan Thị Bỉnh) để trao đổi trước khi gặp luật sư Nguyễn Hữu Thọ theo nguyên tắc bí mật. Nhận được thông tin, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đồng ý ra cùng ông Thảo, ông Dưỡng. Theo đúng kế hoạch, bà Giác ngồi chờ người mang xe đạp đến để đưa luật sư đi những đã quá giờ hẹn mà không thấy người đến. Linh cảm có điều chẳng lành, bà Giác bèn tìm cách liên lạc để xin ý kiến cấp trên. Vừa lên đến Phước Khánh (Hòa Trị) thì bà bị bắt.
Bà lại trải qua những ngày bị tra tấn dã man, tàn bạo, có những lúc bị đánh đạp liên tục trong 2, 3 ngày. Mê man sau những trận đòn tra tấn song khi nghe nói sẽ cho gặp mặt luật sư để đối chất, lòng bà đau đớn, hoang mang bởi bà nghĩ rằng mình đã không hoàn thành nhiệm vụ, có tội với Đảng, với nhân dân. Nhưng thật bất ngờ vì người chúng đưa vào định để đối chất với bà không phải là luật sư Thọ mà là ông Nguyễn Văn Thọ, thợ sửa đồng hồ. Thì ra trong lúc ngồi chờ, bà đã bị địch theo dõi. Vô tình lúc ấy, ông Nguyễn Văn Thọ bước vào, tay cầm tờ báo Tiến Thủ nói với bà một câu: “Báo đăng tin Mỹ chết nhiều quá”. Câu nói ấy cùng hình ảnh bà và ông Văn Thọ nói chuyện đã không lọt qua cặp mắt cú vọ của tên mật thám. Tuy nhiên, may mắn là kẻ thù cũng chưa biết mặt luật sư Nguyễn Hữu Thọ nên bắt nhầm.
Thế nên, bà càng quyết tâm không khai báo. Bị chúng tra tấn dã man hơn với nhiều cực hình: quay điện vào tai, vào núm vú, dùng kim đâm thủng các đầu ngón tay, treo ngược đầu đánh, thậm chí có những lúc bà còn bị đánh đến băng huyết… Thế nhưng, cuối cùng địch vẫn không thể khuất phục được tinh thần thép của người con gái kiên trung đất biển Phú Yên. Nhờ vậy mà tin tức về luật sư Nguyễn Hữu Thọ được đảm bảo bí mật. Ngày 29/9/1961, luật sư được giải thoát lên vùng kháng chiến an toàn.
Bất lực trước sự gan góc của bà, kẻ thù chuyển bà từ nhà lao Tuy Hòa sang nhà lao Chí Hòa. Những trận đòn roi của kẻ thù cứ liên tiếp dội lên tấm thân mảnh mai của bà suốt 3 năm nữa. Cho đến năm 1963, bà được trả tự do. Sau đó, năm 1966 bà lại bị bắt thêm một lần nữa và bị giam trong tù đến năm 1968 thì được trả tự do.
Có thể thấy, tuổi thanh xuân của bà là một vòng tròn khép kín với chuỗi ngày hoạt động cách mạng – bị bắt, bị tra tấn, bị giam cầm – rồi được trả tự do – lại hoạt động – rồi lại bị bắt, bị tra tấn … cứ lặp đi lặp lại cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Sau hơn 30 năm, khi đất nước đã giành được độc lập, trong căn nhà nhỏ dưới chân núi Nhạn thuộc phường 1 thành phố Tuy Hòa, bà Võ Thị Hồng Giác hàng ngày vẫn nâng niu chiếc thước kẻ làm bằng xác máy bay Mỹ mà anh em bạn tù cách mạng đã làm tặng. Những kỷ vật này đã trở thành bạn tri âm cùng bà chia sẻ những tâm sự của tuổi già cô quạnh. Bởi người phụ nữ đó tình nguyện dâng hiến cả tuổi thanh xuân cùng những ước mơ hoài bão của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước mà chưa được một lần mặc áo cô dâu.
Trong sự xúc động nghẹn ngào, bà trao tặng kỷ vật thiêng liêng ấy cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với hy vọng những tháng ngày tham gia hoạt động cách mạng bi hùng sẽ được lưu truyền lại cho thế hệ sau, giúp thế hệ trẻ thêm yêu đất nước, tự hào về dân tộc và đóng góp sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bà đã ra đi vào cõi vĩnh hằng ngày 29/3/2014 để lại niềm tiếc thương ngậm ngùi trong lòng nhiều thế hệ./.
THANH THỦY - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Theo: Thông tin Phụ nữ số 8-3-2018