Hội LHPN xã Hòa Mỹ Đông với phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”
Thứ sáu - 30/07/2021 06:42
573
0
Hỗ trợ hội viên phụ nữ chủ động thoát nghèo, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương là điểm sáng nổi bật trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội LHPN xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
Chị Lê Thị Trọng, thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa là một trong những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Chị Trọng cho biết, trước đây, kinh tế gia đình khó khăn nên vợ chồng chị phải đi làm ăn xa để cải thiện cuộc sống nhưng thu nhập không ổn định. Một lần về quê, chị thấy nhiều xưởng may tư nhân đã tạo việc làm cho lao động nữ địa phương. Chị nhen nhóm ý tưởng mở một xưởng may tại quê nhà và đem ý tưởng đó bày tỏ với chị em trong BCH Hội LHPN xã. Nắm bắt được nguyện vọng của chị, Hội LHPN xã Hòa Mỹ Đông đã tạo điều kiện cho gia đình chị Trọng vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, năm2010, chị đầu tư mở xưởng may nhỏ có 6 công nhân, công việc và thu nhập khá ổn định. Tìm hiểu thấy nhu cầu hàng may gia công cho các cơ sở may, các nhà may tư nhân trong và ngoài tỉnh ngày càng nhiều, trong khi lao động nữ tại địa phương lại phải đi làm ăn xa không có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái, chị Trọng quyết định vay mượn thêm vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Chị mua thêm máy móc, mở thành 2 xưởng may và tuyển thêm công nhân, có thời điểm 02 xưởng may tại xã Hòa Mỹ Tây và Hòa Mỹ Đông của chị lên đến 60 – 70 công nhân. Hiện nay, xưởng may của chị tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động nữ trong xã, thu nhập mỗi người từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của xưởng chị sau khi trừ chi phí đạt từ 500 triệu đến 800 triệu đồng/năm.
Không những tạo công ăn việc làm cho các chị em phụ nữ trong xã mà chị Trọng còn giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, mắc bệnh hiểm nghèo vươn lên. Điển hình như chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Phú Thuận bị bệnh tâm thần, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhờ sự giúp đỡ của chị Trọng và chị em trong xưởng may mà bệnh tình của chị Hà thuyên giảm hẳn, được chị Trọng nhận vào làm trong xưởng may, thu nhập hàng tháng từ 3- 4 triệu đồng. Chị Trọng cũng giúp chị Trần Thị Thu Sang ở thôn Phú Nhiêu bị bệnh ung thư, chồng không có việc làm ổn định, hai con còn nhỏ, chị Sang giờ đã có việc làm ổn định, mức thu nhập hàng tháng lên đến 10 triệu đồng, nhờ vậy mà chị Sang có tiền chữa bệnh và nuôi dạy 2 con ăn học.
Không chỉ có trường hợp của chị Trọng mà còn có rất nhiều hội viên, phụ nữ khác trong xã từ sự tiếp sức của Hội, thông qua chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình” đã chủ động phát triển kinh tế, xóa đói thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê nhà. Điển hình như mô hình nuôi gà thương phẩm của chị Nguyễn Thị Huê, thôn Phú Thuận. cũng là hội viên phụ nữ tiêu biểu của xã, với mô hình nuôi gà lấy thịt thương phẩm đem lại thu nhập cho hộ gia đình. Cũng nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã cho vay 40 triệu đồng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã đầu tư chuồng trại và 8.000 con gà lấy thịt thương phẩm, thu nhập hàng năm từ mô hình này cho gia đình chị từ 100 triệu đến 200 triệu, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động nữ, với mức lương hàng tháng mỗi chị khoảng 5 triệu đồng. Hay như mô hình trồng giá đậu của chị Nguyễn Thị Huấn, cũng ở thôn Phú Thuận đã đem lại thu nhập cho hộ gia đình mỗi năm từ 100 triệu đến 150 triệu và tạo công ăn việc làm cho 4 lao động nữ với mức thu nhập 4 triệu đến 5 triệu đồng mỗi tháng.
Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Thị Hồng Thảo chia sẻ: Xác định hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tác dụng đòn bẩy cho việc triển khai các hoạt động khác của Hội, Hội LHPN xã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. BCH Hội LHPN xã đã tích cực khai thác các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho hội viên vay phát triển kinh tế, với tổng doanh số cho vay trên 14 tỉ đồng.
Cùng với hoạt động khai thác vốn vay, Hội LHPN xã còn đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; thành lập các nhóm “Phụ nữ tiết kiệm”; phối hợp với các ngành chức năng mở lớp dạy nghề ngắn hạn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ, góp phần cùng địa phương giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Từ những việc làm cụ thể đó, số hộ gia đình chị em phụ nữ khá, giàu trong xã tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ giảm từ 80 hộ năm 2016 đến nay xuống còn 32 hộ.