Mô hình "Phụ nữ sản xuất rau an toàn"

  •   Thứ tư - 02/05/2018 16:18
  •   3734
  •  0
Thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ khu phố 7, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh đã tham gia mô hình “Phụ nữ sản xuất rau an toàn”. Mô hình không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho chị em.
Gia đình có truyền thống trồng rau đã nhiều năm, chị Nguyễn Thị Diên có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn giống, chăm sóc và thu hoạch rau, khi được cán bộ chi hội phụ nữ khu phố 7, thị trấn Hai Riêng vận động tham gia mô hình “Phụ nữ sản xuất rau an toàn”, chị Diên không một chút đắn đo. Tham gia mô hình gần hai năm, nguồn rau, quả từ vườn rau của chị Diên cùng với các chị em phụ nữ tham gia mô hình đã được nhiều người tin dùng, nguồn thu nhập của các hộ gia đình khá ổn định, đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Qua trao đổi với chị Diên, chúng tôi được biết, trung bình mỗi năm chị trồng từ 3 - 4 sào, chủ yếu là cải các loại, mồng tơi, rau ngót, gấc, chanh, đậu…với phương thức chăm sóc rau theo quy trình hữu cơ, phân chuồng ủ cùng với tro trấu bếp, đất, cát để bón cho rau, chị chịu khó thường xuyên chăm sóc, tưới nước phun sương, nhờ vậy rau tốt và ít sâu bệnh. Mỗi vụ rau, chị Diên thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Vào vụ rau năm nay, chị Diên tiếp tục đầu tư trồng gần 4 sào rau an toàn, hiện đã có gần 2 sào rau cải, rau lang bắt đầu cho thu hoạch, với giá thị trường dao động từ 10-15 nghìn đồng/kg, mỗi sào chị lãi được khoảng 3-4 triệu đồng. Chị Diên chia sẻ: Tham gia mô hình, không chỉ tạo ra những mùa rau bảo đảm chất lượng, cho tôi một môi trường an toàn và an toàn cho cả người người sử dụng, mà thu nhập của tôi cũng ngày càng phát triển ổn định hơn.
Sau khi tham gia mô hình và được tập huấn về quy trình sản xuất rau sạch, chị Đặng Thị Loan cũng đã áp dụng những kiến thức học được vào việc chăm sóc vườn rau của gia đình. Qua 3 tháng trồng và chăm sóc theo kỹ thuật đã được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, vườn rau của gia đình chị đã xanh tốt và cho thu hoạch. Để vườn rau sinh trưởng và phát triển tốt mà không cần sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chị Loan chú trọng đến khâu làm đất, đồng thời chọn trồng luân phiên các loại rau, quả khác nhau trên cùng một đơn vị diện tích đất để hạn chế sâu bệnh. Vốn ít, tận dụng được công nhàn rỗi nên mô hình trồng rau sạch đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định.
3333 (1)
Các thành viên tổ chức tham quan vườn rau của các thành viên tham gia mô hình.
Ảnh: H’Chăm
Được thành lập gần hai năm, mô hình “Phụ nữ sản xuất rau an toàn” ở khu phố 7, thị Trấn Hai riêng bước đầu có 10 hội viên tham gia. Chủ yếu các hội viên đều đã có kinh nghiệm sản xuất rau, quả với quy mô nhỏ lẻ, vì đất sản xuất ở đây rất ít. Hàng tháng, Chi hội phụ nữ khu phố thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt, tham quan tại vườn. Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, chị em còn chú trọng tuyên truyền, vận động chị em nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc sản xuất rau sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường. Để hỗ trợ cho các hộ gia đình phụ nữ tham gia mô hình, Hội LHPN thị trấn Hai Riêng đã phối hợp với chính quyền và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật khuyến nông, đồng thời đứng ra tín chấp hỗ trợ cho những hộ gia đình hội viên còn khó khăn về vốn được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội để đầu tư vào sản xuất, như mua cây giống, hạt giống, mua sắm các thiết bị, lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương... Bên cạnh đó, Hội LHPN thị trấn còn tập trung tổ chức tuyên truyền vận động chị em tích cực tham gia sản xuất rau an toàn, nhất là việc tìm kiếm đầu ra cho hội viên. Hội LHPN thị trấn Hai Riêng đã tuyên truyền, giới thiệu cho bạn bè, một số nhà hàng, các sạp rau chợ Hai Riêng để thu mua rau của chị em tham gia mô hình. Hiện nay, rau quả của các chị đã có đầu ra cơ bản ổn định, một số nhà hàng lớn tại thị trấn đã đặt và thu mua thường xuyên rau của các chị.
Chị Nay H’Chăm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hai Riêng cho biết: Do được trồng trong môi trường sạch, nên ngoài việc cung cấp rau cho chợ huyện, cho một số nhà hàng lớn tại thị trấn, vườn rau của các gia đình đã trở thành địa chỉ tin cậy của rất nhiều người dân trên địa bàn. Nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thói quen trong sản xuất các loại nông sản an toàn, đặc biệt là sản xuất rau sạch tại hộ gia đình, trong thời gian tới, Hội LHPN thị trấn tiếp tục vận động hội viên tham gia mô hình sản xuất rau sạch, đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan hỗ trợ vốn và kỹ thuật trồng rau sạch cho hội viên. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng năm “An toàn vệ sinh thực phẩm” do Hội LHPN Việt Nam phát động, vì sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
TRẦN THỊ BINH
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 47

Máy chủ tìm kiếm: 3

Khách viếng thăm: 44

Tổng lượt truy cập: 4,286,701

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây