Đang truy cập: 15
Máy chủ tìm kiếm: 1
Khách viếng thăm: 14
Tổng lượt truy cập: 5,342,334
- Đang truy cập15
- Hôm nay2,836
- Tháng hiện tại90,264
- Tổng lượt truy cập5,342,334
Cha mẹ nào cũng muốn trở thành chỗ dựa vững chắc, đồng hành cùng con qua những năm tháng buồn vui, hạnh phúc trong cuộc đời. Nhưng để làm được điều ấy không phải dễ dàng.
Để con hạnh phúc, bình an
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh truyền thông kiến thức nuôi con khỏe dạy con ngoan cho phụ nữ xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) - Ảnh: NGỌC QUỲNH |
Các nhà tâm lý học cho rằng, mỗi đứa trẻ khi sinh ra như một trang giấy trắng. Trong môi trường đầu tiên - môi trường gia đình có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với sự phát triển tâm lý, tính cách của con trẻ. Một môi trường gia đình tốt sẽ giúp trẻ hình thành phát triển nhân cách tốt, đạt được thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc tương lai. Sự ấm áp của tình yêu thương là môi trường tâm lý tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Trong nhịp sống bận rộn như hiện nay, nhiều cha mẹ mải lo gánh nặng mưu sinh mà không thể dành nhiều thời gian cho gia đình. Điều này khiến cha mẹ và con cái ngày càng xa cách. Vì không có sự gắn kết bền chặt giữa cha mẹ - con cái, nhiều con trẻ khi gặp vấn đề rắc rối, bế tắc đã không thể tìm đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của cha mẹ, dẫn đến những cái kết hết sức đau lòng.
Làm thế nào để gia đình là chốn bình yên, là nơi để con trẻ lớn lên trong hạnh phúc, bình an luôn là câu hỏi khiến không ít người trăn trở. Bởi tình yêu thương con vô điều kiện chưa đủ để giúp chúng ta trở thành cha mẹ tốt, mà còn phải có phương pháp giáo dục tốt, chúng ta mới có thể giúp con trở thành những công dân hữu ích cho xã hội mai sau.
Chia sẻ về cách giáo dục con cái, anh Huỳnh Ngọc Hân có hai con gái chăm ngoan học giỏi, ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Theo tôi, cha mẹ không nên dùng quyền của mình phủ quyết, áp đặt con, mà cần phải tôn trọng suy nghĩ, lắng nghe những tâm tình của trẻ. Tôi luôn khuyến khích con mình đưa ra những quyết định sau khi đã cân nhắc, lựa chọn, để con có sự phát triển độc lập, tự tin, kể cả việc chấp nhận thất bại. Tôi thường không quở trách, mắng phạt con, bởi như vậy con trở nên mất bình tĩnh, rụt rè, sợ hãi cũng như dễ che giấu mỗi khi mắc lỗi mà không dám chia sẻ với cha mẹ. Tôi thường dạy con biết yêu thương người thân, hiếu kính với ông bà cha mẹ, giúp đỡ những người khó khăn, biết vị tha, sống nhân ái với mọi người…”.
Còn chị Nguyễn Thị Xuân Thảo ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), thổ lộ: “Tôi nghĩ ngoài việc dạy cho trẻ biết sống yêu thương, chia sẻ, cha mẹ cũng cần rèn cho con sống trách nhiệm, có tính tự giác, kỷ luật. Con trẻ cần phải biết cư xử đúng mực, tôn trọng mình, tôn trọng những người xung quanh và không làm tổn thương người khác. Không ít cha mẹ nghĩ “con mình còn nhỏ chưa biết gì, cứ đợi con lớn một chút nữa rồi sẽ dạy”. Nhưng một khi thói quen xấu hình thành trong con, cha mẹ sẽ phải mất nhiều thời gian để thay đổi, sửa chữa. Bởi vậy, cha mẹ phải để ý giáo dục ngay từ khi con còn thơ bé”.
Cha mẹ cần trang bị kỹ năng
Chị Thảo bảo, để dạy cậu con trai 7 tuổi của mình có ý thức tự giác cũng như tính kỷ luật, chị phải mất rất nhiều thời gian để rèn luyện con, nhất là từ khi con còn nhỏ không thể để mặc con muốn làm gì thì làm. Nhờ vậy mà bây giờ, con chị luôn biết dọn dẹp, sắp xếp gọn gàng đồ chơi mỗi khi chơi xong; biết xếp chăn gối ngay ngắn mỗi khi thức dậy, phụ giúp tưới cây, nhặt rau, cho gà ăn. Chị vui nhất là mỗi khi cô giáo ra bài tập về nhà, buổi tối sau khi ăn cơm xong, con trai luôn tự giác ngồi vào bàn học mà không cần mẹ nhắc nhở…
Không ít phụ huynh cho rằng mình không thể hiểu, nhất là khi con trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn. Lúc ấy, con trẻ rất dễ hờn giận, dễ tổn thương, mặc cảm… Bởi vậy, cha mẹ cần phải học cách lắng nghe con, nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên để có những ứng xử phù hợp.
“Thay vì cho mình cái quyền áp đặt suy nghĩ, thì cần gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, làm bạn với con - bí quyết đơn giản nhưng không phải cha mẹ nào cũng thực hiện được. Bởi vậy, việc dạy con không chỉ được thực hiện bằng bản năng, kinh nghiệm, không chỉ có tình thương, trách nhiệm, mà đòi hỏi cha mẹ phải có phương pháp, kỹ năng mới có thể giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần”, anh Hân bày tỏ.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết: Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Phú Yên luôn chú trọng đến hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ cơ sở xây dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội ngày nay có rất nhiều thay đổi, đặt ra nhiều thách thức cho chị em trong việc nuôi dạy con cái, các cấp Hội LHPN tích cực truyền thông kiến thức nuôi con khỏe dạy con ngoan; phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, thành lập các mô hình “Mái nhà an toàn”, “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình bền vững”… hỗ trợ cho phụ nữ ở các địa phương trong tỉnh chung tay xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Qua đó giúp chị em trở thành những người mẹ tốt, sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu con mình. Bởi sự ấm áp của tình yêu thương cùng với những kỹ năng, phương pháp giáo dục con đúng cách chính là môi trường tốt nhất giúp trẻ phát triển lành mạnh, giúp cha mẹ trở thành người bạn đồng hành, tin cậy vững chắc cho con qua những năm tháng buồn vui, hạnh phúc trong cuộc đời.
LAN KHANH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Liên kết khác
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Máy chủ tìm kiếm: 1
Khách viếng thăm: 14
Tổng lượt truy cập: 5,342,334