Kỷ vật của một mối tình dang dở

  •   Thứ ba - 10/10/2017 09:32
  •   2631
  •  0
Chiến tranh đã lùi xa. Những con người đã sống và chiến đấu trong thời kỳ ấy cũng theo thời gian mà dần dần đi xa, nhưng biết bao câu chuyện về cuộc đời họ, về những hy sinh thầm lặng, hay những mối tình dang dở vẫn lắng đọng mãi khiến nhiều người rưng rưng mỗi khi nghe lại. Đó chính là câu chuyện về một kỷ vật của mối tình chưa trọn vẹn của nữ giao liên Nguyễn Thị Hoa ở tỉnh Phú Yên.
FullSizeRender
Lọ hoa bằng vỏ đạn nhỏ - kỷ vật tình yêu
                             của cô Hoa

YÊU NƯỚC KHÔNG ĐỢI TUỔI
Người con gái Sông Cầu dịu dàng tên Hoa ấy sinh năm 1958 trong hoàn cảnh đất nước đang còn bị chia cắt. Toàn quân và nhân dân miền Nam vẫn đang tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giành lại nền độc lập, thống nhất đất nước. Là một cô bé lanh lợi, thông minh, yêu quê hương, Hoa sớm giác ngộ cách mạng. Mới 12 tuổi, cô đã tham gia phục vụ cách mạng bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ.
Cô được phân công nhiệm vụ nắm tình hình địch, làm công tác giao liên và rải truyền đơn tuyên truyền. Ngoài ra, cô còn được giao nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ và thông tin liên lạc cho một cán bộ phụ nữ hoạt động bí mật ở trước cửa nhà bà trong vòng 1 tháng. Sau đó, cô còn được phân công nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho đội quân du lích xã suốt đến ngày giải phóng năm 1975.
KỶ VẬT CỦA MỘT TÌNH YÊU TRONG SÁNG
Năm 1972, cô gặp và quen một chàng trai tên Bảy ở xã Xuân Thọ 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên). Cảm mến cô gái nhanh nhẹn, đáng yêu nên trong một trận đánh, anh đã thu 2 vỏ đạn pháo đem về tặng cho Hoa. Anh nói rằng, vỏ đạn lớn tượng trưng cho anh, còn vỏ đạn nhỏ tượng trưng cho em. Anh cũng dặn dò cô: “Bây giờ chiến tranh ác liệt, mình ráng cố gắng phục vụ cách mạng, chờ chiến tranh kết thúc. Lúc đó, dù anh có hơi lớn tuổi thì hãy chờ anh và đừng chê anh nhé!”.
Nhưng chưa kịp đợi đến hòa bình, thì cuối năm 1972 anh Bảy đã hy sinh trong một trận đánh. Đau đớn khôn nguôi, cô đã mang vỏ đạn đi chôn giáu, mãi đến năm 1985 mới đào lên rồi nhờ anh thợ gò đồng chế thành 2 bình cắm hoa.
Nhìn thấy 2 vỏ đạn còn sáng bóng, anh thợ đồng ngỏ ý muốn mua lại nhưng cô kiên quyết không bán với bất kỳ giá nào bởi nó là kỷ vật cuối của người yêu để lại. Thậm chí, vì lo sợ bị mất lọ hoa này, cô còn yêu cầu anh thợ đồng viết giấy biên nhận để làm tin.
Sau khi chế tác thành 2 chiếc bình hoa rất đẹp, cô đem về đặt lên bàn thờ Bác Hồ để cắm hoa và mỗi lần thắp hương bao giờ cô cũng khấn cả tên anh bằng tất cả tình cảm trong sáng của một thời thiếu nữ còn nguyên vẹn.
Khi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cuộc vận động sưu tầm kỷ vật kháng chiến, các cán bộ phụ nữ xã đến tận nhà để vận động cô ủng hộ lọ hoa này. Sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng, cô đã quyết định tặng bình hoa nhỏ cho Bảo tàng. Riêng bình hoa lớn, cô Nguyễn Thị Hoa muốn được giữ bên mình để luôn cảm thấy ấm áp như có tình yêu của chú theo cô trong suốt cuộc đời./.
THANH THỦY (ghi theo lời kể của nhân vật)
Theo nguồn: Thông tin Phụ nữ - Hội LHPN Việt Nam số 20/10/2017- NXB Phụ nữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7

Tổng lượt truy cập: 5,367,288

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây